Triều Tiên xoay xở giữa tứ bề phong tỏa

GD&TĐ - Triều Tiên đang đối mặt với gia tăng các lệnh trừng phạt quốc tế, tuy nhiên quốc gia này vẫn có nhiều lựa chọn giao thương với thế giới bên ngoài…

Triều Tiên xoay xở giữa tứ bề phong tỏa

Khi “người cũ” lạnh nhạt

Mặc dù trong bối cảnh chịu nhiều phong tỏa giao thương, tổng thể nền kinh tế Triều Tiên vẫn tăng trưởng 3,9% so với năm trước - đây là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1999. Bình Nhưỡng vẫn có quan hệ ngoại thương với ít nhất 80 quốc gia trong năm qua - theo công bố của chính phủ Hàn Quốc.

Chưa rõ năm nay nền kinh tế Triều Tiên sẽ chịu ảnh hưởng ra sao trước các biện pháp trừng phạt bổ sung nhưng nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn: Mỹ mới công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung sau khi Tổng thống Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố.

Khi thế giới cứng rắn với Bình Nhưỡng, các nhà lãnh đạo quốc gia này từ lâu quay qua Bắc Kinh tìm chỗ dựa. Nhưng mối quan hệ đó đang có dấu hiệu lạnh nhạt dần.

Trung Quốc chiếm hơn 80% thương mại với Triều Tiên và đây là đối tác quan trọng về nhiều mặt với Triều Tiên trong nhiều năm qua. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì Trung Quốc đã thay đổi thái độ rõ rệt thời gian gần đây.

Andrei Lankov, giảng viên Đại học Kookmin, tại Seoul, và là chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên, dẫn chứng Trung Quốc đã ủng hộ nghị quyết “cứng rắn nhất” Liên Hiệp Quốc về vấn đề Triều Tiên - một động thái khiến Lankov cũng như nhiều nhà quan sát chính trị ngạc nhiên.

Về phần mình, Triều Tiên cũng cảm thấy ảnh hưởng hữu hình từ chính sách mới của Trung Quốc. Trung Quốc tháng trước công bố số liệu cho thấy xuất khẩu nhiên liệu sang Triều Tiên đã giảm mạnh trong tháng 9. Nhập khẩu than của Triều Tiên giảm 71,6% so với năm ngoái, trong khi xuất khẩu xăng dầu giảm 99,6%.

Nối lại bạn xưa

Trước thái độ băng giá của Bắc Kinh, không ngạc nhiên khi Triều Tiên “đặt trứng vào rổ khác”.

Hồi tháng 5, truyền thông Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un gửi lời chúc năm mới Âm lịch tới Tổng thống Nga Putin đầu tiên trước khi làm điều tương tự tới các nhà lãnh đạo quốc tế khác.

Moscow có lịch sử quan hệ lâu dài với Triều Tiên. Liên bang Xô viết chiếm một nửa doanh số thương mại quốc tế của Triều Tiên trong khoảng 30 năm trước khi tan rã vào những năm 1990.

Nga cũng đang tìm cách phục hồi ảnh hưởng trở lại tại Triều Tiên. Tháng trước, một công ty viễn thông lớn của Nga đã cung cấp kết nối Internet tới Triều Tiên.

“Kết nối mới” đến vào thời điểm Cơ quan an ninh mạng Mỹ thực hiện các vụ tấn công nhằm vào tin tặc Triều Tiên.

Ngoài ra cũng có những hợp tác khác đang được đẩy mạnh. Một tuyến phà mới được mở hồi tháng 5 vận chuyển hàng hoá giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga, trong khi hãng thông tấn quốc gia Nga công bố kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt giữa 2 nước.

Kim ngạch thương mại năm ngoái giữa 2 nước chỉ đạt 77 triệu USD, giảm từ 113 triệu năm 2013. Mức này còn rất xa so với mục tiêu mà Nga đặt ra vào năm 2015 là kim ngạch thương mại tăng gấp 10 lần lên 1 tỉ USD vào năm 2020.

Ngoài Trung Quốc và Nga, Triều Tiên cũng có những đối tác giao thương khác. Ngoài xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên là than và dệt may, bán vũ khí và xuất khẩu lao động cũng mang lại nguồn thu lớn.

Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 50.000 lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, hầu hết tại Trung Quốc và Nga, nhưng cũng cả ở các nước như Malaysia, Qatar, Ethiopia và Ba Lan.

Mỗi năm, Triều Tiên thu về từ 1,2 đến 2,3 tỉ USD từ xuất khẩu lao động, hầu hết trong lĩnh vực lâm nghiệp và xây dựng.

Triều Tiên cũng thu 300 triệu USD từ bán vũ khí năm 2015, theo nguồn tin Hàn Quốc. Liên Hiệp Quốc đang điều tra 7 quốc gia châu Phi vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên như cấp phép các dự án xây dựng tượng đài khổng lồ và mua vũ khí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ