Cùng 28/1, Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ cũng phê chuẩn dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân, hồ sơ nhân quyền và các hoạt động trên không gian mạng của nước này.
Hãng tin Reuters của Anh dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 28/1 cho biết, Mỹ đã phát hiện Triều Tiên đang gia tăng sự di chuyển các thiết bị và chất nổ đẩy xung quanh một bãi phóng ở phía Tây Bắc nước này, cho thấy có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa vào không gian trong tương lai gần.
|
Quan chức Mỹ lo ngại Triều Tiên sẽ sử dụng công nghệ tương tự như công nghệ trong phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho vụ phóng này.
Theo quan chức này, vụ phóng tên lửa có thể diễn ra trong vòng khoảng 2 tuần tới. Trong khi đó, nhà phân tích Joe Bermude- một trong những nhà sáng lập Công ty phân tích tình báo AllSource Analysis của Mỹ, cũng cho biết Triều Tiên đang tăng cường hoạt động chuẩn bị trang thiết bị, đặc biệt vào ban đêm tại bãi phóng vệ tinh Sohae, ở phía Tây Bắc nước này.
Giới phân tích của Dự án Giám sát Triều Tiên của Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ cũng nhận định về khả năng Triều Tiên sắp tới sẽ phóng tên lửa.
Trước đó, Hàn Quốc ngày 28/1 kêu gọi Triều Tiên kiềm chế khi có thông tin nước này chuẩn bị phóng thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận khi hãng Thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin về hoạt động chuẩn bị phóng tên lửa của Triều Tiên.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thử tên lửa tầm xa “một cách bất ngờ,” song đến nay Bình Nhưỡng chưa tuyên bố vùng cấm tàu thuyền trên biển để chuẩn bị cho vụ phóng.
Phản ứng trước diễn biến mới này, Trung Quốc ngày 28/1 cũng thể hiện quan ngại. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh, Trung Quốc đang theo dõi rất sát sao tình hình Triều Tiên, đồng thời hy vọng các bên liên quan sẽ không có hành động gây khiêu kích. Bà Hoa Xuân Doanh khẳng định Trung Quốc luôn đề cao mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên:
“Chúng tôi cho rằng vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên đã làm gia tăng tình hình phức tạp trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực Đông Bắc Á. Trung Quốc quan ngại sâu sắc trước các diễn biến mới trong khu vực. Chúng tôi hy vọng các bên kiềm chế và tránh làm gia tăng tình hình căng thẳng hiện nay.”
Những thông tin và cảnh báo của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt sau vụ thử hạt nhân mới nhất hôm 6/1, mà Triều Tiên tuyên bố là một vụ thử bom nhiệt hạch (bom H).
Ngày 27/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, trong đó nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Triều Tiên. Theo các nhà ngoại giao, vì Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu dầu mỏ chính sang Triều Tiên, nên Mỹ được cho là đã đề xuất các biện pháp trừng phạt, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lại quan ngại lệnh trừng phạt này sẽ ảnh hưởng xấu tới người dân Triều Tiên. Trong khi các cuộc thảo luận tại Liên hợp quốc về nghị quyết trừng phạt Triều Tiên diễn ra khó khăn, thì Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ ngày 28/1 đã phê chuẩn dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân, hồ sơ nhân quyền và các hoạt động trên không gian mạng của nước này.
Dự luật được thông qua với đa số ủng hộ và các thành viên của Ủy ban này cho biết, họ chờ đợi dự luật sẽ được toàn thể Thượng viện thông qua và được Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn thành luật.