(GD&TĐ) - Triết lý được hiểu là hệ thống lý luận triết học, phản ánh quan niệm của con người về những vấn đề nhân sinh, xã hội, được cụ thể hoá bằng những tư tưởng, đường lối, phương pháp và hành động thực tiễn. Xã hội phát triển với nhiều biến động bất ngờ thì việc đi tìm một triết lý giáo dục phản ánh đúng chiến lược phát triển giáo dục trong thời kì mới là mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học và quản lý giáo dục.
Trong chiến lược phát triển ở tầm vĩ mô của mỗi quốc gia đều rất cần thiết vạch ra con đường của tư tưởng hành động, hay nói cách khác chính là hệ thống lý luận mang tính triết học, triết lý sâu sắc về từng lĩnh vực. GD&ĐT là một trong những vấn đề quốc gia đại sự, bởi nó ảnh hưởng, quyết định đến sinh mệnh dân tộc, đến sự văn minh, phồn thịnh hay nghèo nàn, lạc hậu của đất nước. Hậu quả của việc không có chiến lược phát triển giáo dục cụ thể, chưa định danh rõ ràng về triết lý giáo dục là một nền giáo dục phát triển tự phát, là sự manh mún, bất cập, xa thực tiễn, và còn hơn nữa, kéo theo những hệ luỵ vô cùng nguy hại đến sự ổn định và phát triển đất nước. Đào tạo tràn lan, thừa thầy thiếu thợ, học không đi đôi với hành, chạy theo thành tích, trò ngồi nhầm lớp, thầy đứng nhầm lớp…, đó là những mặt yếu kém của một nền GD&ĐT không được nghiên cứu, thử nghiệm nghiêm túc trên cơ sở khoa học và thực tiễn một cách minh triết. Những giải pháp tình thế, những kế hoạch mang tính thời vụ chỉ có thể giải quyết được những sự việc ở phạm vi nhỏ hẹp, ở tầm thấp, ngắn, chứ không thể đủ sức để vươn tới những chiến lược phát triển con người toàn diện. Cũng không thể ảo tưởng, kì vọng mãi về một nền giáo dục áp đặt, chính qui, trường ốc đã làm tiêu tan đi biết bao những ước mơ, sáng tạo của nhiều thế hệ lòng vòng mà không đến được với “thực học và thực nghiệp”. Bài học về tư duy hệ thống càng có ý nghĩa hơn khi đổi mới giáo dục, xây dựng chiến lược chương trình giáo dục nhằm tạo thế ổn định, thống nhất để phát triển bền vững, hài hoà trong tổng quan đời sống con người, xã hội. Và, cũng không thể giữ mãi quan điểm duy lý, ảo tưởng và áp đặt cho mọi đối tượng giáo dục; cũng không thể an tâm, cầu toàn, tự huyễn hoặc để mong đạt thành tích ảo khi chỉ lo nhằm đáp ứng, cung cấp nguồn nhân lực cho một xã hội quá ư đề cao tính tiêu dùng và thực dụng.
Giáo dục cần một sự đổi thay để phát triển. Giáo dục cần có kế sách để trụ vững và thoát khỏi luồng xoáy lốc cơ chế thị trường. Khi mà người người, nhà nhà có xu hướng đi làm kinh tế, tính toán lỗ lãi, cập nhật giá cả từng phút, giành giật cơ hội làm ăn bằng mọi giá thì dường như nhà trường cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy đó, chiếc áo thương mại hoá đã có lúc khoác lên, làm cho hình ảnh về trường học, thầy trò ít nhiều méo mó. Liệu có đảm bảo chắc chắn trường học với sự tôn nghiêm, sùng bái trí tuệ, trân trọng đạo đức có từ hàng ngàn năm còn trụ vững trước những cởi mở đến lơi lỏng của các qui phạm ngoài xã hội. Để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục cần bám sát thực tiễn công tác GD&ĐT của nước nhà, tình hình xã hội và những lí thuyết mang ý nghĩa triết học, phương pháp luận liên quan mật thiết với giáo dục và phát triển con người. Những chương trình, đề án giáo dục cần được nghiên cứu, triến khai phù hợp với nhu cầu, khả năng thực tế của từng đối tượng, địa phương, vùng miền khác nhau; và cần tính đến khả năng dự báo về xu hướng, tiềm lực, kết quả, và cả những hệ luỵ trái chiều có thể xảy ra. Tất nhiên, sự toàn vẹn tuyệt đối là không tưởng, nhưng giữ được thế ổn định trên đà phát triển cũng là một thành công của những hoạch định chiến lược quốc gia.
ảnh minh họa |
Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập hoá quốc tế sâu sắc, quốc gia nào cũng cần có những hoạch định, chiến lược phát triển. Những nước có nền kinh tế phát triển càng ý thức được sự hệ trọng đó và đã mạnh dạn chi phí, đầu tư lớn cho từng kế hoạch, chương trình cụ thể. Đối với một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân cũng vậy, kế hoạch phát triển càng cần được lập trình một cách cẩn trọng nếu như muốn “phát triển bền vững”, “đi tắt đón đầu”, “hội nhập sâu sắc”. Người ta vẫn nói mọi thành công đều bất đầu từ ý tưởng, và ý tưởng thực sự khả thi khi nó được xuất phát từ tâm hồn minh tuệ. Những bài học của cổ nhân, những tư tưởng giáo dục truyền thống cần được nghiên cứu, học tập, kế thừa tinh hoa một cách hợp lý trên con đường đổi mới tư duy GD&ĐT.
Giáo dục phải đi trước sự phát triển, triết lý giáo dục cần được nghiên cứu, bàn bạc, xây dựng thống nhất để trả lời thoả đáng yêu cầu về “giáo dục là gì? Giáo dục cho ai? Và giáo dục như thế nào” trong tổng thể hoàn thiện các mặt đời sống xã hội. Những lộ trình đổi mới hoặc đổi mới giáo dục hay một khâu nhỏ trong cái tổng thể đó cần được nghiên cứu, tính toán và thực thi một cách kĩ lưỡng và sát hợp với thực tế. Một nền giáo dục vì dân, “thân dân”, vì sự hưng thịnh của đất nước là nền giáo dục luôn theo sát sự trưởng thành của con người từ thủa ấu thơ đến khi kết thúc cuộc đời, và hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần công dân qua các thế hệ. Triết lý giáo dục phải có tính định hướng để đổi mới nền giáo dục, hiện đại hóa quá trình giáo dục các cấp học, bậc học một cách cụ thể và hiệu quả.
Phương pháp dạy học trong nhà trường được coi như là con đường, chìa khóa để người học tiếp cận kho báu tri thức nhân loại, là bệ đỡ đa năng và hữu dụng để thầy và trò phát huy mọi khả năng học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Vấn đề đặt ra, phương pháp dạy học lựa chọn tư duy lý luận nào soi đường, và phương pháp dạy học sẽ được chọn lựa, vận dụng như thế nào cho hợp với thực tiễn, biện chứng với tư tưởng triết lý giáo dục.
Mục tiêu, nội dung giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến phương pháp dạy học trong nhà trường, tính định hướng của chương trình tác động đến hoạt động của các chủ thể tham gia quá trình dạy và học. Thầy và trò dạy học cái gì và như thế nào một thời được quan niệm là “quy định pháp lý” nên khó có thể sáng tạo hay tích cực hóa chủ thể dạy học. Phương pháp dạy học mang bản chất là sự thay đổi, không bị ràng buộc bởi những định kiến áp đặt, tư duy ngoài khoa học ngay cả khi nó đang được thực thi hiệu quả theo một mô hình, thói quen dạy học nào đó. Tính kế thừa, phát triển của phương pháp dạy học là một minh chứng cho sự đổi thay sáng tạo trong nội dung và hình thức của phương pháp.
Dạy học tích cực hóa người học, rèn luyện tư duy chủ động, tự chủ, tự học đang được coi là phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học ngày nay. Các mô hình dạy học tiên tiến trên thế giới đang ngày một chủ tâm nhấn mạnh đến tính tích cực, tính cá thể hóa, chuyên biệt hóa trong dạy học nhằm phát huy vai trò, tư duy trí tuệ của cá nhân, làm giàu có tâm hồn từng cá thể giáo dục. Cá nhân đến trường học là tìm đến cơ hội phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ, với tâm thế chờ đợi sự kích hoạt để làm bừng sáng tiềm năng trí tuệ. Tâm thế này là tích cực, là sẵn sàng chủ động học tập, là điều kiện lý tưởng để nhà trường, thầy cô triển khai các hoạt động dạy học, tích cực hóa các phương pháp dạy học. Chữ “tích cực” trong phương pháp dạy học ở đây, nói như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là có chiều sâu, tạo cơ hội cho người học, cho chủ thể học tập phát huy hết tiềm năng trí tuệ, tư duy thông minh của mình.
Trên phương diện phát triển, không có phương pháp cho số đông, đại trà, cũng không có phương pháp cho từng cá thể mà nên là một sự phối hợp, tổng hợp tiếp thu và cải tiến, vận dụng và sáng tạo trong nghiên cứu và thực hiện phương pháp. Phương pháp dạy học nào cũng tồn tại hai mặt ưu nhược, lựa chọn phương pháp cũng là biểu lộ tài năng của nhà sư phạm trong khơi dậy tiềm năng trí tuệ, định hướng và tổ chức cho người học cách tư duy, phương pháp tự học, tự làm.
Đặt vấn đề xây dựng triết lý giáo dục và đổi mới giáo dục trong hoàn cảnh đất nước đã bước sang thời kì phát triển kinh tế thị trường có định hướng, thời hội nhập quốc tế sâu sắc là điều quan trọng và cần thiết. Triết lý đó cần được nghiên cứu, bàn bạc, lập trình trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn giáo dục nước nhà, và thống nhất với những định hướng phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta; triết lý đó sẽ theo sát với chiến lược đổi mới giáo dục, và cũng không thoát ly hoặc “viển vông” với chương trình, nội dung, phương pháp dạy học.
Đỗ Tiến Sỹ