Triển vọng từ mô hình trồng rau an toàn ở xã vùng cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dám nghĩ, dám làm là những yếu tố tạo nên thành công từ mô hình trồng rau an toàn của chị Nguyễn Thị Luyên xã Yên Thuận (Hàm Yên).

Mô hình trồng rau sạch đã và đang được nhân rộng, cung cấp nguồn rau sạch cho cộng đồng.
Mô hình trồng rau sạch đã và đang được nhân rộng, cung cấp nguồn rau sạch cho cộng đồng.

Quyết tâm thoát nghèo

Sinh ra và lớn lên ở xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện với điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số các hộ dân trong xã sống phụ thuộc vào ruộng nương, chăn nuôi thủ công, giao thông đi lại khó khăn khiến cho cuộc sống người dân nơi đây cũng gặp không ít trở ngại.

Nhưng với ý chí và quyết tâm vươn lên thoát nghèo, chị Nguyễn Thị Luyên (SN 1988), từ hai bàn tay trắng đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng vốn của Ngân hàng chính sách để bắt đầu phát triển kinh tế.

Lần đầu cầm số tiền lớn trong tay, chị Nguyễn Thị Luyên không khỏi lo lắng khi không biết nên đầu tư vào trồng cây gì và nuôi con gì. Sau đó, chị nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền địa phương thông qua các lớp tập huấn về khuyến nông do huyện tổ chức.

Nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng các loại rau, chị Luyên bắt đầu cải tạo đất, lựa chọn các loại hạt giống và quyết tâm trồng theo mô hình VIETGAP trên diện tích 1ha.

Đời sống nhân dân xã Yên Thuận thay đổi từng ngày.

Đời sống nhân dân xã Yên Thuận thay đổi từng ngày.

Chị Luyên chia sẻ: Trong khi một số địa phương trong tỉnh, tình trạng lạm dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá phổ biến thì tại các huyện miền núi, nhiều mô hình trồng rau sạch đã và đang được nhân rộng, cung cấp nguồn rau sạch cho cộng đồng, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn do các ban, ngành chức năng trong huyện tổ chức. Hiện nay, gia đình chị Luyên đã có kiến thức chăm sóc rau, phòng ngừa và điều trị sâu bệnh, biết cách giữ lại giống cho vụ sau, giảm chi phí, tăng thêm thu nhập. Hệ thống kênh, mương dẫn nước phục vụ cho cánh đồng chuyên rau cũng đã được kiên cố, có thể sản xuất được nhiều vụ trong một năm. Nhờ sản xuất rau theo hướng an toàn, không chỉ tạo thêm thu nhập cho gia đình, bên cạnh đó bản thân người trồng đảm bảo về sức khỏe và môi trường tự nhiên cũng không chịu tác động xấu.

Quan tâm xây dựng thương hiệu

Không chỉ dừng lại ở mô hình trồng rau sạch, để tăng thêm thu nhập cho gia đình, chị Luyên còn kết hợp chăn nuôi gà, vịt và các cây dài ngày như keo, quế. Mỗi năm chị xuất từ 2-3 lứa gà, vịt, còn trứng thì vài tháng gia đình xuất bán 1 lần.

Với đức tính chăm chỉ, chịu khó, cần cù, đến nay gia đình chị Luyên đã có 1ha rau sạch, 150 con vịt siêu trứng, 200 con gà và hơn 6 nghìn cây quế, keo. Tính trung bình mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 300 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Luyên đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đầu tư xây dựng mô hình nuôi vịt cho thu nhập cao.
Chị Nguyễn Thị Luyên đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đầu tư xây dựng mô hình nuôi vịt cho thu nhập cao.

“Chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo có kinh tế ổn định, đời sống từng bước được nâng lên. Thời điểm đó, nếu không có nguồn vay từ Ngân hàng chính sách thì gia đình cũng khó có được như ngày hôm nay”, chị Luyên chia sẻ

Thấy mô hình trang trại của gia đình phát huy hiệu quả, nhiều người dân địa phương cũng đã đến học hỏi, chị Luyên không ngại chia sẻ kinh nghiệm, cách làm với bà con.

Ông Nông Ngọc Khuyến Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Yên Thuận cho biết, mô hình trang trại của gia đình chị Luyên phát huy hiệu quả rất tốt. Đã cung cấp lượng lớn lương thực thực phẩm cho bà con nơi đây. Sau nhiều năm phát triển mô hình kinh tế gia đình chị chính thức trở thành một trong những mô hình kinh tế giỏi của địa phương.

Hiện nay, sản xuất rau sạch đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, cần được nhân rộng ở các địa phương miền núi. Song, để hình thành nên quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao và được người mua tin dùng, các hộ gia đình cần quan tâm xây dựng thương hiệu rau sạch và tuân thủ quy trình kỹ thuật, tránh để các loại rau chưa sạch trà trộn làm mất uy tín. Có như vậy, người tiêu dùng mới an tâm khi sử dụng, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rau và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ