Triển vọng mới trong điều trị bệnh Alzheimer

GD&TĐ - Suy giảm nhận thức và tích tụ các protein bất thường trong não là những dấu hiệu nhận biết rõ về bệnh Alzheimer, nhưng các manh mối khác có thể tiết lộ sự hiện diện của nó sớm hơn. Một trong số đó là hiện tượng giảm lưu lượng máu đến não do tắc nghẽn. Các nhà khoa học từ Đại học Cornell ở Mỹ tin rằng họ đã tìm ra lời giải thích cho những tắc nghẽn này, làm tăng hy vọng mới cho các phương pháp điều trị nhắm vào một trong những nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh.

Triển vọng mới trong điều trị bệnh Alzheimer

Cũng giống như những nơi khác trong cơ thể, máu chảy vào não là điều quan trọng để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào thực hiện công việc của chúng đúng cách. Khi có một trục trặc bắt nguồn từ dòng chảy này, các chức năng nhận thức như học tập và trí nhớ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau nhiều thập niên nghiên cứu, các nhà khoa học đã liên kết quá trình này với hai nguyên nhân hàng đầu của bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ liên quan đến mạch máu.

Một nghiên cứu gần đây trên tờ Neuron đã chỉ ra sự sụp đổ rào cản máu não là một yếu tố khiến các protein đông máu độc hại có thể tiếp cận và gây ra tổn thương mạch máu. Một bài báo khác từ các nhà y học tại Đại học Cornell đưa ra một lời giải thích khác. 

Nghiên cứu của họ bắt nguồn từ việc phát hiện ra các cục máu đông trong não của những con chuột mắc bệnh Alzheimer. Chính xác hơn, các nhà nghiên cứu tìm thấy các tế bào bạch cầu đang bám vào bên trong mao mạch - mạch máu nhỏ nhất của não.

Mặc dù chúng chỉ được tìm thấy trong khoảng 2% mao mạch của não, các cục máu đông dẫn đến suy giảm khoảng 20% lưu lượng máu. Để tìm hiểu làm thế nào sự tắc nghẽn ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, nhóm nghiên cứu đã điều trị cho động vật bằng kháng thể giúp loại bỏ các cục máu đông, phục hồi lưu lượng máu. Quan sát sự cải thiện trong vài giờ, họ thấy ngay cả ở những đối tượng mắc bệnh Alzheimer cũng có sự tiến triển.

“Ở người, những tác động cụ thể làm giảm lưu lượng máu não không rõ ràng, nhưng ở mức độ giảm trung bình khoảng 30%, chắc chắn là nguyên nhân gây lo ngại”, Chris Schaffer, Phó giáo sư Kỹ thuật Y sinh tại Cornell , giải thích, “Trong những con chuột mắc bệnh Alzheimer, chúng tôi thấy việc tăng lưu lượng máu bằng cách can thiệp vào sự kết dính của các tế bào bạch cầu đã dẫn đến sự cải thiện nhanh chóng và đáng kể về bộ nhớ”.

Schaffer nói: “Trước khi nghiên cứu, chúng tôi không đánh giá cao sự tắc nghẽn ở mao mạch là nguyên nhân làm giảm lưu lượng máu não trong các mô hình chuột mắc bệnh Alzheimer.

Nhiều công trình trước đây đã chỉ ra sự khác biệt về cấu trúc mạch máu, ví dụ như ít mạch máu và co thắt động mạch não. Mỗi cơ chế này có thể đóng vai trò trong việc thay đổi lưu lượng máu não, nhưng có vẻ như sự kết dính của các tế bào bạch cầu trong mao mạch là nguyên nhân về sự thiếu hụt lưu lượng máu mà chuột mắc bệnh Alzheimer có liên quan”.

Schaffer và nhóm của ông đã xác định được khoảng 20 loại thuốc có thể được sử dụng ở người, một số trong đó đã được cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận.

Theo Newatlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.