Triển lãm không chỉ nhằm mục đích “làm mới” và “sống động hóa” di tích Văn Miếu để khơi gợi sự trân trọng và gìn giữ tinh hoa truyền thống của cha ông, mà còn để hấp dẫn khách du lịch, từ đó lan tỏa hình ảnh Văn Miếu đến với du khách trong và ngoài nước một cách tự nhiên.
Hình ảnh về một Văn Miếu Quốc Tử Giám trầm mặc cổ kính khoác lên mình “chiếc áo mới” đầy sức sống tựa như bản hòa tấu đa sắc màu hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại tại triển lãm đã khiến nhiều du khách cảm thấy bất ngờ và thích thú.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự hào hứng của khách nước ngoài là "dễ đoán". Vì chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon, đơn vị tổ chức sự kiện văn hóa Thu Vọng Nguyệt và triển lãm cùng tên tại Văn Miếu vốn có bề dày kinh nghiệm trong việc quảng bá văn hóa ẩm thực Việt trong hơn một thập kỷ qua.
Những hình ảnh dường như chỉ còn lại trong ký ức người Hà Nội gốc hay trong sách vở, hội họa được thương hiệu này sử dụng như một "phép thử" để chinh phục khách du lịch nước ngoài tại nhà hàng nay được áp dụng nhuần nhuyễn trong triển lãm để quảng bá vẻ đẹp của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm đã được Ban tổ chức sự kiện Thu Vọng Nguyệt chọn lọc ra trong hơn 10.000 bức ảnh với tiêu chí bắt được các khoảnh khắc đắt giá nhất nhằm vẽ lên một Văn Miếu cổ kính nhưng mới lạ, giao hòa giữa truyền thống và hiện đại thể hiện qua các tác phẩm như:
Đêm hoa đăng, Lung linh Khuê Văn Các, Tiếng Xưa, Ông Đồ, Trăng Cười … Rất nhiều trong số những bức ảnh này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách quốc tế.
Ngay cả với những du khách đến từ các quốc gia châu Á cũng đón Tết trung thu như Việt Nam, những bức ảnh về Tết trung thu truyền thống cũng khiến họ cảm thấy thật thú vị.