Kinh nghiệm từ trường thành công với VNEN

GD&TĐ - “Đổi mới giáo dục để phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay là một tất yếu. Với mô hình VNEN, Bộ GD&ĐT đã chỉ cho chúng ta một hướng đi, tại sao chúng ta không mạnh dạn mà thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả!”

Một tiết dạy theo mô hình VNEN tại Trường THCS Nhuế Dương (Khoái Châu, Hưng Yên)
Một tiết dạy theo mô hình VNEN tại Trường THCS Nhuế Dương (Khoái Châu, Hưng Yên)

Đây là chia sẻ của thầy Đỗ Anh Phương – Hiệu trưởng Trường THCS Nhuế Dương (Khoái Châu, Hưng Yên) - khi trao đổi về thực tế tổ chức dạy học theo mô hình Trường học mới.

Cần xác định mục tiêu cần đạt của tiết dạy

Trường THCS Nhuế Dương là 1 trong 14 trường trong huyện Khoái Châu (Hưng Yên) triển khai mô hình Trường học mới đạt những thành công rất khả quan sau 3 năm thực hiện, trở thành địa chỉ được nhiều trường bạn đến học hỏi kinh nghiệm. Bộ GD&ĐTđã 2 lần về trường tổ chức hội thảo thành công về chủ đề này.

Theo thầy Đỗ Anh Phương, việc điều hành tổ chức hoạt động cho học sinh như thế nào để hiệu quả hoàn toàn do giáo viên chủ động linh hoạt sáng tạo, vận dụng ở từng lớp học, bài học, tiết học… Khi học sinh được hoạt động, được thực hành sẽ bộc lộ khả năng, tố chất và năng lực phẩm chất của mỗi học sinh. Giáo viên có thể bố trí học sinh ngồi theo nhóm hoặc ngồi học theo kiểu truyền thống tùy thuộc vào sĩ số của lớp.

Chia sẻ về cách tổ chức lớp học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học tại Trường THCS Nhuế Dương, thầy Đỗ Anh Phương cho biết: Khi xác định mục tiêu cần đạt  của tiết dạy thay vì theo hình thức giáo viên giảng giải thuyết trình, người thầy sẽ giao nhiệm vụ cho học sinh hoạt động cá nhân, cặp đôi, hoạt động nhóm tạo điều kiện cho các em có sự chia sẻ với bạn bè, trao đổi ý kiến của mình, nhận xét ý kiến của bạn, tương trợ lẫn nhau… dưới sự điều hành giúp đỡ của giáo viên.

Các trường bạn đến trường THCS Nhuế Dương học tập kinh nghiệm tổ chức lớp học theo mô hình Trường học mới

Các trường bạn đến trường THCS Nhuế Dương học tập kinh nghiệm tổ chức lớp học theo mô hình Trường học mới

Tuyên truyền kỹ lưỡng - khâu then chốt trước khi triển khai

Được biết, trước khi triển khai dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, Trường THCS Nhuế Dương đã cho họp cha mẹ học sinh của khối 6 vào cuối năm học 2014 – 2015. Nội dung họp tập trung tuyên truyền về ưu thế của mô hình Trường học mới, khẳng định nội dung về SGK vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng.

Trường còn mời cha mẹ học sinh xem các video về dạy học mô hình Trường học mới, phụ huynh được trải nghiệm dự giờ một số tiết học do giáo viên nhà trường trực tiếp dạy. Cùng  với việc đó thì nhà trường cũng tuyên truyền về mô hình trường học mới trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Vì có bước tuyên truyền kỹ lưỡng đó, khi triển khai mô hình Trường học mới không có cha mẹ nào phản đối vì họ đã hiểu rõ bản chất của dạy học theo mô hình trường học mới chỉ là thay đổi hình thức tổ chức dạy học, chương trình SGK vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, đây chính là nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại.

Với các giáo viên, trước khi triển khai, nhà trường tổ chức họp hội đồng sư phạm phổ biến phân tích cho giáo viên hiểu bản chất của mô hình Trường học mới, phân tích cái mới ban đầu thực hiện bao giờ cũng gặp khó khăn nhưng nếu dành tâm huyết, trách nhiệm thì khó khăn mấy cũng thực hiện được.

Sau khi tất cả các giáo viên đã thông về mặt tư tưởng, nhà trường tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu trao đổi  học hỏi kinh nghiệm với các trường bạn, các trường tiểu học đã triển khai mô hình Trường học mới.

Sau một thời gian thực hiện, cả phụ huynh, giáo viên và học sinh đều thấy mô hình Trường học mới có nhiều ưu điểm tiến bộ đặc biệt là: Giáo dục được kỹ năng  sống cho học sinh các em tự tin khi giao tiếp và chủ động hơn, mạnh dạn hơn rất nhiều. Các thầy cô giáo trường THCS Nhuế Dương càng thêm quyết tâm đổi mới dạy học. Mặt khác giáo viên của nhà trường được Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT cùng nhà trường tập huấn rất kỹ lưỡng nên tự tin triển khai, linh hoạt sáng tạo.

Phòng Giáo dục Khoái Châu (Hưng Yên) tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiêm phương pháp dạy học tích cực tại Trường THCS Nhuế Dương
Phòng Giáo dục Khoái Châu (Hưng Yên) tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiêm phương pháp dạy học tích cực tại Trường THCS Nhuế Dương

Điểm cốt lõi: Linh hoạt trong công tác chỉ đạo

Trao đổi kinh nghiệm để triển khai mô hình Trường học mới đạt được thành công, thầy Đỗ Anh Phương cho biết: Về công tác chỉ đạo, Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu kỹ các văn bản để hiểu bản chất của dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; phải xác định rõ đổi mới là yêu cầu tất yếu của giáo dục, từ đó mạnh dạn, quyết tâm đổi mới, nhận thấy dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học có nhiều ưu điểm phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay. Giáo viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn, chủ động tiếp cận cái mới sẵn sàng thay đổi để đem lại những hiệu quả học tập cao hơn cho học sinh.

Nhà trường lựa chọn các đồng chí có  trách nhiệm cao, có năng lực tổ chức tốt để phân công  dạy lớp học theo mô hình trường học mới.

Nhà trường xây dựng kế hoạch chỉ đạo riêng cho việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Giáo viên trong trường phải tham dự đầy đủ các lớp tập huấn và tiếp tục học tập tìm hiểu, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học thông qua sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp cụm trường, tổ chức các chuyên đề  để thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học chủ yếu là về cách thức tổ chức dạy học, để chia sẻ, rút kinh nghiệm kịp thời.

Học sinh Trường THCS Nhuế Dương rất thích học theo mô hình Trường học mới
Học sinh Trường THCS Nhuế Dương rất thích học theo mô hình Trường học mới

Bản thân Ban Giám hiệu, đặc biệt là người đứng đầu phải tâm huyết trách nhiệm hiểu sâu sắc bản chất của sự thay đổi để chỉ đạo vận dụng linh hoạt sáng tạo không máy móc không áp đặt. Bên cạnh đó, việc thay đổi cách đánh giá giáo viên, đánh giá học sinh là rất cần thiết. Phải tăng cường việc kiểm tra đánh giá trên tinh thần động viên  khuyến khích để giáo viên đổi mới. Xây dựng lực lượng cốt cán của nhà trường để truyền đạt kinh nghiệm bồi dưỡng cho toàn thể giáo viên nhà trường.

Song song với đó, mọi băn khoăn, thắc mắc mọi khó khăn trong giảng dạy: được họp bàn tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, người hiệu trường cần là tuyên truyền viên giỏi để phổ biến , giải đáp thắc mắc của giáo viên, làm tốt công tác xã hội hóa,  kêu gọi cha mẹ học sinh, các đoàn thể, doanh nghiệp ủng hộ mọi mặt về tinh thần, vật chất cho quá trình đổi mới.

“Tôi cho rằng điểm cốt lõi của vấn đề đổi mới là cần linh hoạt trong công tác chỉ đạo cũng như công tác tổ chức dạy học nhằm phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của giáo viên và học sinh” – thầy Đỗ Anh Phương khẳng định.

Học sinh tự tin chia sẻ lại góc nhìn của mình về bài học với các bạn trong lớp
Học sinh tự tin chia sẻ lại góc nhìn của mình về bài học với các bạn trong lớp
Cô Nguyễn Thị Thắm – Giáo viên môn Khoa học Tự nhiên, Trường THCS Nhuế Dương: Dạy học theo mô hình Trường học mới là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, giúp học sinh chủ động tìm hiểu, chiếm lĩnh tri thức dưới sự tổ chức hướng dẫn của giáo viên. Học sinh được tương tác nhiều hơn, hình thành và phát triển được nhiều năng lực. Qua sự tương tác giữa giáo viên – học sinh, năng lực của giáo viên cũng được phát triển, chất lượng giáo dục sẽ được tốt hơn. Theo tôi, đổi mới cần đồng bộ từ nội dung, chương trình, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học thì mới có thể đạt hiệu quả tốt.
Em Thùy Dương – Trưởng Ban Đối ngoại lớp 8A, Trường THCS Nhuế Dương: Mô hình Trường học mới đã thay đổi hoàn toàn cách học của em, giúp em mạnh dạn nói lên ý kiến của mình, linh hoạt xử lý tình huống. Em thấy rất hứng thú với cách học này vì em được hoạt động nhóm với các bạn, tham gia các hoạt động mà học theo cách cũ không có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ