Công tác chỉ đạo về nội dung này cũng được lãnh đạo các trường, ngành Giáo dục địa phương quan tâm, chú trọng.
Đậm, nhạt tùy nơi
Cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (Châu Thành, An Giang), cho biết: Tại trường, phong trào viết SKKN hàng năm khá sôi nổi với số lượng đạt tỷ lệ cao. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 60/84 giáo viên tham gia viết sáng kiến; tỷ lệ này ở năm học 2021 - 2022 là 65/81; năm học 2022 - 2023 là 60/81.
Bãi bỏ quy định “phải có SKKN mới được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở lên” hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc tổ chức viết SKKN, bởi lẽ nhà trường phát động nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm cách làm hay, sáng tạo trong công tác quản lý, phát triển năng lực chuyên môn, từ đó nhân rộng ra toàn trường.
Về chất lượng, nhiều SKKN được giáo viên đầu tư kỹ, dựa trên những việc đã triển khai đạt kết quả trong thực tiễn. Ví dụ: Về phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi; cách thực hiện các sản phẩm khoa học kỹ thuật; kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp, hoạt động ngoại khóa... Đa số SKKN của giáo viên được vận dụng đạt kết quả, từ đó nhân rộng thành các tiết chuyên đề cho đồng nghiệp học tập, rút kinh nghiệm trong sinh hoạt chuyên môn.
Dù vậy, theo cô Lê Thị Ngọc Dung, vẫn có một số SKKN chưa đạt do người viết không đầu tư kỹ vào nội dung và hình thức; thiếu sự trải nghiệm… vì thế, thiếu số liệu thực tế, không đối chiếu kết quả những năm học trước hoặc tiến trình thực hiện chưa cụ thể, nêu chung chung.
Tại huyện Văn Quan (Lạng Sơn), ngành Giáo dục cũng chú trọng việc viết SKKN. Khẳng định điều này, Trưởng phòng GD&ĐT Ngô Văn Hiền cho biết: Hằng năm cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn về công tác sáng kiến khoa học, ban hành văn bản hướng dẫn các trường thực hiện, thành lập hội đồng sơ duyệt SKKN và tham mưu cho UBND huyện thành lập Hội đồng chấm SKKN theo quy định.
“Toàn huyện có số lượng SKKN dao động từ 250 - 270 sáng kiến/năm. Đa số SKKN được áp dụng trong thực tế; hoặc áp dụng một phần trong quản lý, dạy và học. Một số sáng kiến có tính ứng dụng rộng rãi, phạm vi toàn ngành. Số sáng kiến không đạt khoảng 10%”, ông Ngô Văn Hiền chia sẻ.
Nhìn chung, các trường trên địa bàn luôn quan tâm, động viên, nhắc nhở cán bộ quản lý, giáo viên viết SKKN. Tuy nhiên, còn 1 - 2 trường chưa thực sự hưởng ứng, dẫn đến tỷ lệ giáo viên đăng ký viết ít.
Trước khi bỏ quy định “phải có SKKN mới được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở lên”, trung bình mỗi năm, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) có từ 12 - 15 SKKN. Sau ban hành quy định nói trên, số lượng giảm xuống còn 8 - 10 SKKN/năm.
Theo thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng, dù nhà trường vẫn phổ biến, triển khai trong tổ chuyên môn và toàn trường (tuỳ theo nội dung), nhưng số lượng SKKN tác động mạnh mẽ đến hoạt động của nhà trường rất ít, hiếm. Đa số SKKN chỉ đạt mức trung bình khá, số ít đạt mức tốt. Số lượng SKKN không đạt dưới 10%.
Tương tự tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), ít SKKN được áp dụng trong thực tế, sức lan tỏa cũng chưa đủ mạnh với cuộc sống và hoạt động dạy học của các nhà trường.
Ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết, Phòng GD&ĐT và các cơ quan giáo dục trên địa bàn luôn chú trọng triển khai công tác viết SKKN hàng năm đến từng cán bộ, giáo viên. Mỗi năm, số lượng SKKN được công nhận bậc 3 cấp cơ sở trên toàn huyện có khoảng gần 400. Trong đó, số đạt tiêu chí, yêu cầu dao động từ 20 - 25%.
Ảnh minh họa ITN. |
Để sáng kiến lan tỏa
Chia sẻ cách làm của Trường THCS Quản Cơ Thành để có nhiều SKKN đạt chất lượng, cô Lê Thị Ngọc Dung cho biết, nhà trường đặt ra các tiêu chí cụ thể như: Chú trọng sáng kiến có áp dụng thực tế đạt hiệu quả ở đơn vị; sáng kiến mới lạ, có giải pháp sáng tạo trong cách làm.
Ví dụ, SKKN trong công tác chủ nhiệm, quá trình quản lý học sinh, giáo viên có giải pháp hạn chế học sinh bỏ học, giáo dục học sinh cá biệt... Trong chuyên môn là các giải pháp giáo dục hữu ích, rèn luyện học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém ở từng môn học qua kinh nghiệm thực dạy trên lớp…
Điều đáng lưu ý, kết quả đạt được qua quá trình trải nghiệm năm sau phải cao hơn năm trước. Các phương pháp thực hiện phải đầu tư kỹ, trình bày rõ ràng, dễ hiểu... Từ việc chú trọng các yếu tố thực, giáo viên luôn cố gắng đầu tư và lấy kết quả thực tế làm minh chứng, hiệu quả đạt được càng cao. Ngoài ra, nhà trường tư vấn cho các tổ chuyên môn thực hiện chia sẻ kinh nghiệm từ các sản phẩm đạt được để đồng nghiệp học tập.
Với Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ kinh nghiệm: Việc triển khai đăng kí viết SKKN hàng năm sớm; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên được tuyên truyền đến từng cán bộ, giáo viên nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ. Cùng với đó, cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do các cấp tổ chức và tổ chức triển khai lại cho đội ngũ.
Tổ chức rút kinh nghiệm sau khi chấm cấp trường. Có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên tích cực viết SKKN phù hợp với vấn đề, thách thức đặt ra tại trường; hỗ trợ hoàn thiện các SKKN cấp trường, đề nghị chấm cấp sở GD&ĐT.
Ở góc độ quản lý cao hơn, quyền Trưởng phòng Phạm Viết Phúc cho biết, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn cũng nỗ lực triển khai các văn bản thực hiện viết SKKN thường xuyên, kịp thời; định hướng viết xuất phát những nội dung nhỏ nhặt nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên. Đó là những tích lũy chuyên môn, bài học kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy… để phát triển thành SKKN.
Cách để nâng cao chất lượng SKKN toàn ngành được ông Ngô Văn Hiền chia sẻ: Phòng GD&ĐT Văn Quan tiếp tục tổ chức tập huấn sáng kiến cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường; gắn việc viết sáng kiến với bình xét thi đua cuối năm. Chỉ đạo nhà trường tạo điều kiện, tổ chức cho giáo viên đăng ký, áp dụng từ đầu năm học. Tổ chuyên môn hỗ trợ giáo viên thực hiện sáng kiến. Nhân rộng điển hình tiên tiến, chia sẻ các sáng kiến có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng và cơ sở dữ liệu của ngành.