(GD&TĐ) - Từ năm học 2013 – 2014, sẽ triển khai thí điểm đổi mới đánh giá học sinh tiểu học mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN).
Học sinh trường tiểu học Trưng Trắc (Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn |
Theo đó, nguyên tắc của việc đánh giá này vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của các em; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan và toàn diện; không so sánh với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Đánh giá những biểu hiện phẩm chất và năng lực của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học; đánh giá dựa trên thái độ, hành vi, kết quả về kiến thức, kĩ năng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của học sinh; áp dụng các kĩ thuật đánh giá phù hợp với đặc điểm tổ chức lớp học, quá trình hoạt động dạy học/giáo dục trong VNEN.
Kết hợp đánh giá của giáo viên, các đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nhà trường, cha mẹ học sinh và tự đánh giá của học sinh. Trong đó, đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
Các hình thức đánh giá gồm đánh giá thường xuyên; đánh giá định kì kết quả học tập và đánh giá tổng hợp cuối học kì I, cuối năm học.
Kết quả đánh giá được sử dụng để xây dựng, điều chỉnh kịp thời kế hoạch, nội dung, phương pháp, biện pháp dạy học/giáo dục của giáo viên, học sinh nhằm đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất, đem lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện đối với học sinh.
Xét hoàn thành chương trình lớp học, cấp học. Đối với những học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, cấp học thì ghi rõ bài nào của từng môn học và hoạt động giáo dục để giáo viên, nhà trường có kế hoạch hỗ trợ học sinh đó hoàn thành. Xét tuyên dương, khen thưởng.
Năm học 2012-2013, Bộ GD&ĐT đã triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 1447 trường tiểu học. Từ năm học 2013-2014 sẽ có thêm nhiều trường áp dụng VNEN.
Lập Phương
TIN LIÊN QUAN |
---|