Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng ghi nhận những ý kiến góp ý của các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục đại học và hiệp hội nghề nghiệp, đồng thời trân trọng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng, hầu hết các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung trong dự thảo Kế hoạch triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Các ý kiến cũng khẳng định tính cấp thiết cần phải triển khai đối với các trình độ của giáo dục đại học để trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất giữa các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục của Việt Nam theo Quyết định số 1982 ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam”.
Theo Quyết định này, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì các công việc đối với các trình độ thuộc GDĐH:
Thứ nhất là chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở GDĐH, các viện nghiên cứu liên quan để triển khai xây dựng và phê duyệt chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo và thực hiện tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN;
Thứ hai là chỉ đạo các cơ sở GDĐH rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; kiểm định chương trình đào tạo…
Đa số các ý kiến cũng đồng thuận về việc cần có Hội đồng ngành khi triển khai xây dựng chuẩn đầu ra của ngành. Hội đồng này sẽ có sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo ngành, Bộ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, Bộ quản lý lĩnh vực đào tạo của ngành và cần có sự tham gia của các hiệp hội nghiệp nghề, các doanh nghiệp sử dụng lao động và các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các bên liên quan khác.
Với thành phần gồm các đại diện đó, Hội đồng ngành sẽ xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành để tạo ra những chuẩn mực đào tạo chung tối thiểu, thống nhất trong toàn quốc đối với các ngành đào tạo nhưng không “lấn sân” hay làm thay các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.
Điều này đặc biệt cần thiết khi Luật GDĐH sau khi sửa đổi đã mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong mở ngành, xây dựng chương trình, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá và cấp bằng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD ĐH phát biểu tại buổi Tọa đàm |
Trong toạ đàm, nhiều ý kiến đóng góp để thống nhất xác định được nội hàm của chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra ngành đào tạo được xem như chuẩn năng lực tối thiểu cần đào tạo do các bên liên quan như các hiệp hội, các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng; trở thành công cụ để kiểm soát chất lượng của các cơ sở đào tạo.
Mỗi ngành được thực hiện ở nhiều trường với các chương trình đào tạo khác nhau và các trường thực hiện quyền tự chủ phát triển chương trình đào tạo của trường mình trên cơ sở chuẩn tối thiểu của từng ngành do Nhà nước quy định.
Điều đó đảm bảo thực hiện quyền tự chủ của các trường nhưng cũng làm công cụ giám sát của Nhà nước, xã hội và các bên liên quan đối với việc mở ngành, thực hiện các chương trình đào tạo và giám sát chất lượng nói chung trong giáo dục đại học.
Bà Phụng trao đổi, chúng ta thống nhất rằng sẽ có lộ trình phù hợp. Các nước trên thế giới phải trên dưới 10 năm và nếu chúng ta tận dụng lợi thế của nước phát triển sau, học tập tốt kinh nghiệm của thế giới để rút ngắn thời gian thực hiện thì cũng phải mất 5-7 năm để thực hiện chu kỳ đầu. Đây phải là quá trình gồm nhiều giai đoạn tiếp nối, liên tục phát triển, cập nhật… chứ không phải là chỉ sau một khoảng thời gian chúng ta có thể làm xong việc.
“Trước hết, chúng ta nhất trí triển khai đến ngành, mà trước tiên sẽ xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành thuộc các lĩnh vực ngành nghề mà lao động được dịch chuyển tự do trong khối ASEAN như kế toán, du lịch, điều dưỡng, kiến trúc, xây dựng… và những ngành Việt Nam đang chú trọng như: đào tạo giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, những ngành liên quan đến Công nghệ thông tin và truyền thông , nông nghiệp công nghệ cao v.v... Đó là những lĩnh vực mà chúng ta đã đồng thuận sẽ chọn để triển khai trong giai đoạn đầu” – bà Phụng nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo bà Phụng, không phải triển khai tất cả các ngành trong lĩnh vực đó, mà mỗi lĩnh vực sẽ chọn ra một số ngành có khả năng xây dựng nhanh nhất, để triển khai trước.
Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để từ đó từng bước triển khai ra những ngành khác ở trong nhóm ngành đó, cũng như ra các nhóm ngành khác.
Kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ theo hướng có lộ trình làm trong khoảng 5-7 năm để có thể cơ bản vào năm 2025 sẽ kết thúc được vòng đầu tiên để tiếp tục phát triển ở những vòng sau.
“Để thực hiện được định hướng đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Kế hoạch này. Theo đó, có những nội dung sẽ phải triển khai một cách chi tiết hơn theo ý kiến góp ý của đại diện các bên liên quan trong Tọa đàm hôm nay.
Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ làm việc với từng bên liên quan như: Khối các chuyên gia giáo dục, các Bộ ngành quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực, các hiệp hội nghề nghiệp – doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học để triển khai trong các ngành được lựa chọn ở từng giai đoạn… để thống nhất lộ trình triển khai cũng như phân công nhiệm vụ rõ cho các cơ quan, đơn vị tham gia để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đặc biệt, sẽ phải có sự hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để triển khai đúng quy định tại Quyết định số 1982. Tinh thần là các đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ của hai Bộ sẽ hợp tác theo chỉ đạo của cấp trên để việc thực hiện Khung trình độ quốc gia có sự liên thông trong việc triển khai giữa các trình độ trong một ngành, không làm khó cho các trường và không chia cắt khung trình độ quốc ra thành các phân mảnh” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi.