Đào tạo Nhân lực ngành Du lịch trình độ đại học: Quy mô đào tạo tăng mạnh

GD&TĐ - Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành du lịch có việc làm trong 12 tháng sau tốt nghiệp đạt 93%. Theo số liệu của Bộ VH, TT&DL, nhân lực trình độ ĐH chiếm khoảng 65,5% tổng số hướng dẫn viên du lịch; 84% nhân lực marketing du lịch và 65,3% nhân viên lễ tân.

Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang dịch chuyển vào lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành Du lịch.	Ảnh: Hữu Cường
Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang dịch chuyển vào lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành Du lịch. Ảnh: Hữu Cường

Đăng ký 21.590 chỉ tiêu ngành Du lịch năm 2019

Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực ngành Du lịch trình độ ĐH giai đoạn 2017 - 2020 đối với các cơ sở giáo dục ĐH theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Bộ GD&ĐT đồng thời chủ trì ban hành các mã ngành riêng để thúc đẩy đào tạo du lịch; chỉ đạo các trường tăng cường kết nối với doanh nghiệp và nâng cao năng lực, quy mô đào tạo du lịch; phối hợp với Bộ VH, TT&DL hoàn thiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, Luật Du lịch 2017 và các văn bản quy định thực hiện Luật.

Theo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo các ngành về du lịch phát triển nhanh. Tính đến nay, cả nước có 94 cơ sở giáo dục ĐH tham gia đào tạo trình độ ĐH với 5 ngành: Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Việt Nam học và 147 lượt ngành về du lịch; có 5 cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ và 1 đào tạo trình độ tiến sĩ (ngành gần Việt Nam học).

Riêng ngành Du lịch mới bổ sung vào danh mục từ 2017 đến nay đã có 12 cơ sở đào tạo, đã phát triển, mở ra các ngành mới theo nhu cầu xã hội như: Du lịch sinh thái, Du lịch điện tử… Cơ sở đào tạo du lịch phân bổ theo 3 khu vực lớn trên phạm vi cả nước và tương đối hợp lý theo vùng miền, cơ cấu ngành nghề đào tạo.

Lực lượng giảng viên ngày càng tăng, trong các cơ sở đào tạo lĩnh vực du lịch hiện nay có khoảng 1.300 giảng viên chuyên ngành nhóm ngành du lịch, trong đó có 5 giáo sư, 49 phó giáo sư, 160 tiến sĩ (16,5%)… và nhiều giảng viên thỉnh giảng là các thạc sĩ, chuyên gia, nghệ nhân, doanh nhân…

Quy mô đào tạo các ngành thuộc nhóm du lịch hiện nay là gần 60 nghìn sinh viên; tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2018, các trường tuyển được gần 18 nghìn sinh viên, đạt 93% so với năng lực (cao hơn kết quả tuyển sinh chung đạt 84%). Năm 2019, các trường đăng ký chỉ tiêu nhóm ngành này tiếp tục tăng, lên hơn 21,5 nghìn chỉ tiêu.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Triển khai Khung trình độ quốc gia trong đào tạo du lịch

Thực hiện Quyết định số 2473/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; ngành Du lịch đã xác định về số lượng, đến năm 2020, lao động du lịch sẽ cần 870 nghìn lao động trực tiếp (tăng khoảng 270 nghìn so với hiện nay). Giai đoạn 2021 - 2025 nhân lực du lịch tăng bình quân mỗi năm khoảng 6%.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT chủ trương chủ trì, phối hợp với ngành VH, TT&DL, Hiệp hội Du lịch rà soát, đánh giá chất lượng mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch toàn quốc. Triển khai Khung trình độ quốc gia trong lĩnh vực đào tạo du lịch, xây dựng hệ thống chuẩn chương trình các ngành đào tạo về du lịch. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo du lịch. Xây dựng và thực hiện đề án tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục ĐH về du lịch, hướng dẫn các sở GD&ĐT đưa du lịch vào chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) theo Nghị quyết số 103/NQ-CP…

Bộ GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thực hiện chuẩn đầu ra các ngành thuộc lĩnh vực du lịch theo Khung trình độ quốc gia; quản lý thông tin về việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp để có biện pháp nâng cao tỷ lệ việc làm, điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ ưu tiên đào tạo nhân lực tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của vùng, địa phương; đồng thời, tăng cường liên kết đào tạo nhân lực trình độ cao với các quốc gia có thế mạnh về du lịch, đã kinh doanh du lịch, khách sạn nhà hàng tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ