Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng chủ trì hội thảo. Ngoài sự tham gia của các các chuyên gia, đại diện các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành sức khỏe, còn có đại diện của HAIVN/ Tổ chức y tế thế giới.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cho biết: “Trong bối cảnh triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam nhằm hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực y tế - một lĩnh vực ngành nghề hết sức đặc thù và đặc biệt quan trọng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An phát biểu khai mạc Hội thảo |
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì tất cả các chương trình đào tạo của các trường trong thời gian tới cần được rà soát, điều chỉnh, cập nhật hoặc phát triển mới đều phải phù hợp với chuẩn chương trình.
Điều này rất phù hợp với việc triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF), khi phát triển một chương trình đào tạo thì chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải đặt trong chuẩn chương trình. Do đó, việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo cũng phải đặt trong việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành đào tạo đó”.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An thì việc triển khai VQF rất quan trọng, cần ưu tiên triển khai nhanh nhưng phải có lộ trình chắc chắn. “Việc triển khai VQF cũng cần quan tâm đến đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như giúp cho việc thực hiện tham chiếu giữa khung tham chiếu Việt Nam và khung tham chiếu ASSEAN (AQRF), làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và các nước ASEAN, làm tiền đề thuận lợi cho di chuyển lao động tự do trong khu vực ASEAN và thế giới” – Thứ trưởng Lê Hải An đặt vấn đề.
Hội thảo đã nghe các chuyên gia, nhà khoa học cũng như CBQL các cơ sở giáo dục có đào tạo khối ngành sức khỏe trình độ đại học góp ý và thảo luận các vấn đề về xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chuẩn chương trình cũng như những kinh nghiệm về vấn đề phát triển chương trình và đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường trong thời gian vừa qua. Theo thống kê của Cục khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), đến nay, cả nước có 44 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, trong đó có 22 cơ sở công lập.
Để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành sức khỏe, Bộ GD&ĐT đảm nhiệm xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản để triển khai VQF đối với các trình độ của Giáo dục ĐH; hướng dẫn xây dựng chuẩn chương trình đối với các ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe. Về phía Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đối với các ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe...