Những giải pháp đã và đang được triển khai
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao quản lý đào tạo nhân lực từ trình độ ĐH trở lên. Bộ GD&ĐT đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thông qua các công tác chủ yếu sau:
Ban hành và tổ chức thực hiện Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT về mở ngành đào tạo các trình độ, trong đó quy định rõ: Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước. Việc mở ngành mới phải có ý kiến của ít nhất 2 cơ quan, tổ chức sử dụng lao động và có ít nhất 2 chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài để minh chứng về sự cần thiết đào tạo;
Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về tuyển sinh ĐH, quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở nhu cầu lao động của xã hội, điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo và tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam để quản lý chất lượng đầu ra của các trình độ đào tạo, trên cơ sở tham chiếu khung trình độ của các nước ASEAN; Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025… Đồng thời, ban hành và chỉ đạo thực hiện Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT quy định về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục ĐH và quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành các chương trình đào tạo; trong đó, quy định rõ việc xây dựng chương trình đào tạo phải khảo sát nhu cầu của người sử dụng lao động, có đại diện của người sử dụng lao động tham gia trong tất cả các khâu xây dựng, thẩm định và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Chỉ đạo thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như: Tạm thời dừng đào tạo từ xa để cấp các văn bằng sư phạm và hạn chế mở ngành đào tạo giáo viên; tăng cường cảnh báo về dấu hiệu “bão hòa” nhân lực ở một số ngành/lĩnh vực, hạn chế mở ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng có dấu hiệu dư thừa ở một số thành phố lớn; phối hợp với các bộ, ngành để mở ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội; thực hiện cơ chế đặc thù đề đào tạo các ngành đang thiếu nhân lực như Du lịch, Công nghệ thông tin…
Kết quả thực hiện các mặt công tác trên thể hiện ở số học sinh vào học ĐH tương đối ổn định, chiếm khoảng 40% số học sinh dự thi THPT quốc gia (theo hệ thống quản lý thi, tuyển sinh THPT quốc gia năm 2017, 2018); tỷ lệ có việc làm của sinh viên trong 1 năm tốt nghiệp đạt khoảng 86-87% (theo báo cáo của các trường ĐH năm 2016, 2017); tỷ lệ việc làm của lao động có trình độ ĐH trở lên trong độ tuổi lao động đạt khoảng từ hơn 95% đến hơn 97% (theo Bản tin Cập nhật thị trường lao động hằng quý do Tổng cục thống kê phối hợp với Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội phát hành).
Đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường
Thời gian tới, để quản lý hiệu quả hơn đối với hoạt động đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cân đối tốt hơn về cơ cấu trình độ lao động được đào tạo cũng như cơ cấu ngành nghề đào tạo, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện các công tác trên và tăng cường thực hiện các công tác sau:
Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục ĐH (đã được sửa đổi), tổ chức thực hiện Luật Giáo dục ĐH theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo, thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường, quản lý và nâng cao tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp; nâng chuẩn chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam dần tiệm cận với chuẩn quốc tế;
Tổ chực hiện tốt Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025; thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên theo các tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động;
Tổ chức nghiên cứu và triển khai ứng dụng các đề tài thuộc Chương trình giáo dục quốc gia như: Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS; nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường; nghiên cứu mô hình trường ĐH đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam…
Chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành như Viện Hàn Lâm khoa học Công nghệ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… thực hiện các hoạt động định hướng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế (khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, nông nghiệp xanh, kinh doanh và quản lý…) để đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao - thực hiện một trong ba đột phá chiến lược của Đảng.