Gói dịch vụ trên bao gồm các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh và gói dự phòng, nâng cao sức khỏe… giúp người già, trẻ nhỏ, HSSV, người trưởng thành trên địa bàn được quản lý sức khỏe, tư vấn, dự phòng và chăm sóc khi ốm đau, bệnh tật.
Đa dạng dịch vụ y tế tại cộng đồng
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 19% tổng số người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế xã, phường, thị trấn. Tổng kinh phí bảo hiểm chi cho dịch vụ khám chữa bệnh tại đây chiếm khoảng 3%.
Con số trên chứng tỏ tỷ lệ người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế tuyến cơ sở chưa cao. Nguyên nhân thì có nhiều trong đó phải kể đến tình trạng nghèo nàn về dịch vụ, thiếu nhân viên y tế trình độ chuyên môn cao.
Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), y tế tuyến xã “tiêu” xấp xỉ 70.000 tỷ một năm cho việc khám chữa bệnh không phải là nhiều.
Để tránh tình trạng bệnh viện tuyến trên tiêu hết tiền cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh phải chi trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ ở bệnh viện tuyến trên mà y tế cơ sở có thể thực hiện được, liên ngành Y tế - Bảo hiểm cùng xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến đầu tiên của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo đó, ngay từ tuyến xã, người dân có thể tiếp cận được 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo. Cụ thể, trạm y tế xã có thể tiến hành hồi sức chống sốc, rửa dạ dày, mở khí quản qua da cấp cứu ngạt thở, lấy dị vật mắt, điện châm, thủy châm...
Danh mục thuốc cũng khá rộng với nhiều loại như thuốc gây tê, gây mê, thuốc điều trị bệnh gout, tăng huyết áp, hen, phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, thuốc chống co giật, động kinh. Như vậy, với gói dịch vụ trên, bệnh nhân bị tiểu đường, huyết áp thay vì đến bệnh viện tuyến huyện khám, lĩnh thuốc định kỳ nay có thể ra trạm y tế ngay gần nhà.
Là người bệnh tiểu đường, hàng tháng, ông Đoàn Văn Bôn (Đôn Giáo, Tứ Kỳ, Hải Dương) phải nhờ con/cháu đưa lên bệnh viện tuyến huyện cách nhà 7 km để khám định kỳ và lấy thuốc. “Nhiều hôm đến lịch hẹn mà con cháu bận công việc lại phải nhờ xe ôm hoặc lùi sang hôm khác nên việc uống thuốc không đều đặn nay trạm y tế cũng khám, phát thuốc thì tiện hơn nhiều”, ông Bôn chia sẻ.
Hậu phương vững chắc cho trường học
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn cho biết: Gói dịch vụ y tế cơ bản được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và được đảm bảo để có thể tiếp cận với các dịch vụ cơ bản một cách đầy đủ, có chất lượng.
Triển khai gói dịch vụ trên cũng đem lại lợi ích cho các trường học trên địa bàn bởi phần lớn trường học, nhất là trường MN, tiểu học thường nằm cạnh trạm y tế, trong điều kiện trường chưa đủ điều kiện thành lập phòng y tế học đường hoặc nhân viên y tế trong trường chỉ là kiêm nhiệm thì sự phát triển của trạm y tế được coi là hậu phương vững chắc trong việc chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật cho học sinh.
Trạm y tế sẽ cùng với nhà trường triển khai công tác khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; Khám chữa bệnh khi các em không may bị ốm, xử lý tai nạn thương tích có thể xảy ra trong trường học.
Những chi phí trên đều do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Mặt khác, với trách nhiệm dự phòng, cộng đồng và học sinh được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện và phòng chống bệnh tật, dịch bệnh, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe từ lúc mới sinh ra đến khi về già… qua hệ thống bác sĩ gia đình. Chi phí cho công tác này do ngân sách Nhà nước, địa phương hoặc các nguồn khác chi trả.
Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, ngoài mục tiêu đem lại sự công bằng cho mọi người dân, gói dịch vụ y tế cơ bản được triển khai còn được coi là giải pháp góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí cho người dân. Thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản này sẽ là động lực để y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn, nâng cao năng lực chuyên môn.
Với mục tiêu 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân có thể giải quyết từ tuyến y tế cơ sở, trước mắt cần rà soát năng lực các trạm y tế có thể thực hiện được bao nhiêu dịch vụ trong danh mục, sau đó cần kiểm tra, đánh giá, thẩm định. Còn theo ông Bằng cho rằng, bước đầu ngành y tế cần có chính sách hỗ trợ y tế tuyến dưới để nâng cao năng lực chuyên môn thông qua đề án luân chuyển cán bộ, bệnh viện vệ tinh.
- Hiện tỷ lệ chi cho viện phí từ tiền túi của người dân nước ta hiện vẫn khá cao (trên 40%). Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ chi tiền túi của người dân khi đi viện lên tới trên 50% thì đó là một nền y tế rất mất công bằng. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khuyến cáo mức chi hợp lý là dưới 30% còn mục tiêu của nước ta là đến năm 2020 đạt dưới 35%.
- Việc bảo hiểm thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh tại y tế tuyến xã sẽ làm tăng quyền lợi và giảm chi phí trực tiếp từ tiền túi người dân.