Theo TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia), dự án bữa ăn học đường xây dựng bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú của HS tiểu học, bao gồm 40 thực đơn chuẩn cho bữa ăn chính và bữa ăn phụ đã được hoàn thiện, với các tiêu chí:
Cân đối về dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu về năng lượng dựa trên những khuyến nghị về dinh dưỡng cho học sinh tiểu học; hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, đường và muối...
Dự án cũng hỗ trợ công cụ cho các trường giáo dục dinh dưỡng cho HS tiểu học “Ba phút thay đổi nhận thức”, giúp các em có thói quen ăn uống lành mạnh.
Theo Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của trẻ lứa tuổi tiểu học hiện chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Điều tra khẩu phần ăn của trẻ từ 6 - 11 tuổi tại 6 tỉnh, thành vừa qua cho thấy, khẩu phần năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu đề nghị; khẩu phần canxi rất thấp (ở nhóm tuổi 6 - 9 đạt 59%, ở nhóm tuổi 9 - 11 chỉ đạt 45% nhu cầu khuyến nghị); khẩu phần sắt của nhóm tuổi 6 - 9 đạt khoảng 68% và nhóm tuổi 9 - 11 đạt 54% nhu cầu khuyến nghị...
TS Bùi Thị Nhung khuyến cáo: Thiếu hụt vi chất ảnh hưởng phát triển thể lực, trí lực, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và kéo theo nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành như tim mạch, đái tháo đường...