Mục đích giúp khắc phục tình trạng trẻ em không được tiêm đủ mũi vắc xin hoặc tiêm chủng không đúng lịch.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay: “Chúng tôi đã triển khai quản lý đối tượng tiêm chủng bằng hệ thống phần mềm, thực hiện thí điểm tại Bắc Ninh và một số tỉnh khác. Theo đúng như kế hoạch, bắt đầu từ tháng 6/2017, việc quản lý đối tượng bằng phần mềm đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, tất cả các địa phương trong cả nước đã vào cuộc, triển khai phần mềm này”.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, ưu điểm của phần mềm này là quản lý được đối tượng tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc, nhất là tại một số địa phương có tỷ lệ di biến động dân cư ở các khu công nghiệp... thì với phần mềm tiêm chủng này, chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn đó. Đặc biệt, phần mềm tiêm chủng còn giúp lưu lại những thông tin về tình trạng tiêm chủng của trẻ mà có thể gia đình trẻ không nhớ. Với phần mềm này, thông tin về đối tượng tiêm chủng được cập nhật rất chính xác.
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: Đối với những “vùng lõm” tiêm chủng, Viện Vệ sinh dịch tễ đã làm việc chặt chẽ với ngành Y tế địa phương để mở rộng điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế, đến tận nơi khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống và thực hiện tiêm chủng lưu động. Trong kế hoạch tiêm chủng, Viện đề ra việc đưa vắc xin phòng Rota virus, sau đó là vắc xin viêm phổi do phế cầu vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Việc triển khai sẽ từng bước, đặc biệt là ưu tiên những vắc xin cần thiết như: Vắc xin bại liệt tiêm, vắc xin Rota.
“Chúng ta có thuận lợi là đã sản xuất được nhiều loại vắc xin. Từ nay đến năm 2020, ít nhất là sẽ đưa thêm được 1 vắc xin mới vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tất cả các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đều đã được kiểm định hết sức chặt chẽ, đảm bảo an toàn”, GS.TS Đặng Đức Anh nêu rõ.