Triển khai đồng bộ giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ cần xây dựng một chiến lược cụ thể về giáo dục (GD), cần thiết phải thành lập một Hội đồng tư vấn cải cách GD, gồm nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham mưu giúp Chính phủ định hình và xây dựng chiến lược GD dài hơi, hiệu quả trong tương lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Triển khai Nghị quyết số 29, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT với trọng tâm là chuyển đổi mô hình phát triển GD-ĐT; tích cực triển khai thực hiện đổi mới, phát triển GD với những bước đi vững chắc; có nhiều quyết sách và chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng GDPT và chất lượng GD ĐH, GD nghề nghiệp.

Bộ đã và đang chỉ đạo các địa phương và cơ sở GD thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới đánh giá HS theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; chất lượng GDPT ngày càng được nâng cao. Công tác GD đạo đức, nhân cách, lối sống lành mạnh cho HSSV và GD đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ nhà giáo và CBQL GD được chú trọng.

Chính sách cho HSSV dân tộc thiểu số, HS nghèo, HS vùng sâu, vùng xa, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách xã hội được thực hiện, bổ sung kịp thời. Hằng năm, HS Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đều đoạt giải cao; vị thế các trường ĐH của Việt Nam trong bảng xếp hạng châu Á, thế giới được nâng lên. Kết quả đổi mới GD của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng quốc gia GD và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 nhằm tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực GD-ĐT, GD nghề nghiệp, phát triển nhân lực. Bộ GD&ĐT đã thành lập 6 tiểu ban chuyên môn để tư vấn, đề xuất chủ trương và chính sách quan trọng về lĩnh vực GD-ĐT, GD nghề nghiệp và phát triển nhân lực.

Tuy nhiên, việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là một quá trình lâu dài, cần nhiều công sức và nguồn lực. Những kết quả nêu trên đang ở giai đoạn đầu tiên, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành đang tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu Nghị quyết số 29 của Trung ương đề ra.

Hiện nay, ngành GD đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL GD các cấp (trong đó có triển khai chuẩn nghề nghiệp; tăng cường công tác bồi dưỡng cho đội ngũ; rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý…); thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GDPT; đổi mới công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý GD; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT; tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự thống nhất, đồng thuận để các bộ, ngành và toàn xã hội cùng vào cuộc với ngành GD trong đổi mới GD-ĐT.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch để tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển GD 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2021 - 2030; tổng kết việc thực hiện mục tiêu đổi mới toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...