Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng thực hiện, việc dạy học SGK lớp 1 mới trên địa bàn cơ bản thuận lợi. Kết quả này có được nhờ sự chuẩn bị chu đáo trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên liên tục trước và trong thời gian đang thực dạy hiện nay.
Dạy thể nghiệm SGK lớp 1
Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vừa tổ chức dạy 12 tiết thể nghiệm 2 môn Toán – Tiếng Việt lớp 1 tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Kỳ Tân và Tiên Kỳ. Tham gia dạy thể nghiệm có 12 GV lớp 1 được chọn ngẫu nhiên trong huyện. Bên cạnh đó, còn có 116 cán bộ, GV khác đến từ 22 trường tiểu học trên địa bàn cùng tham gia dự giờ để nhận xét, góp ý. Thời lượng mỗi tiết 45 phút, GV không có nhiều sự chuẩn bị, do chưa làm quen trước với HS và trường học được chọn làm nơi dạy thể nghiệm. Tuy nhiên, đây là một yêu cầu của ngành Giáo dục Tân Kỳ. Nếu nắm chắc phương pháp, khung chương trình, với bất cứ HS và môi trường học tập nào, GV cũng cần linh hoạt để đạt chuẩn kiến thức kỹ năng bài học.
Cụ thể, trong đợt dạy thể nghiệm này, ngoài SGK, giáo viên còn sử dụng đồng thời nhiều tài liệu, thiết bị giảng dạy khác giúp bài giảng có tính chất trực quan, sinh động. Một số tiết học, GV tổ chức cho HS thảo luận nhóm. Dù mới vào lớp 1, vẫn còn bỡ ngỡ với môi trường và cách học mới, nhưng các em nhanh thích nghi và hưởng ứng sôi nổi. Việc giao lưu, trao đổi giữa cô và trò diễn ra thường xuyên. Sau mỗi tiết học, đánh giá chung HS đã đạt được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
Cô Hoàng Thị Huyền (Trường Tiểu học Nghĩa Hành) một trong 12 GV dạy thể nghiệm chia sẻ: “Là GV của trường vùng khó huyện Tân Kỳ, việc dạy học trên lớp chưa có sự hỗ trợ của máy tính hay màn hình chiếu. Tuy nhiên, ở tiết dạy thể nghiệm tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, tôi vẫn bình tĩnh và mạnh dạn sử dụng SGK điện tử để bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn. Qua tiết dạy này, tôi cũng nhận được nhiều góp ý, chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm để khi về trường sẽ có điều chỉnh trong dạy học phù hợp”.
Ngay sau các tiết dạy thể nghiệm, Phòng GD&ĐT Tân Kỳ tổ chức sinh hoạt chuyên môn giữa GV trực tiếp dạy học và đồng nghiệp dự giờ. Việc nhận xét thẳng thắn, tâm huyết, phân tích ưu điểm hạn chế để GV lớp 1 trên địa bàn rút kinh nghiệm trong dạy học thời gian tới.
Ông Hoàng Đình Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho biết: Chương trình dạy thể nghiệm và sinh hoạt chuyên môn cấp huyện nhằn hỗ trợ các trường tiểu học triển khai có hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa lớp 1. Đặc biệt là chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.
“Dù việc triển khai chương trình SGK lớp 1 còn nhiều băn khoăn, ý kiến trái chiều trên các diễn đàn nhưng các tiết dạy thể nghiệm đều được đánh giá cao từ khâu thiết kế giáo án, chuẩn bị phương tiện dạy học đến tổ chức thực hiện dạy và học trên lớp. Chúng tôi xác định, dạy thể nghiệm là sinh hoạt chuyên môn, không phải là “diễn” để lấy thành tích hoặc so sánh giữa các trường. Vì vậy, các tiết dạy thực chất, giúp GV học hỏi, chia sẻ, trao đổi nhiều kỹ năng, phương pháp”, ông Sơn nhấn mạnh.
Mở rộng hội thảo chuyên môn cấp tỉnh
Tại huyện miền núi Con Cuông, Trường Tiểu học Lạng Khê cũng được chọn là nơi sinh hoạt chuyên môn cụm các xã Châu Khê, Lạng Khê, Cam Lâm. Với hơn 90% HS là người dân tộc thiểu số, việc dạy học lớp 1 trên địa bàn cần sự linh hoạt từng trường, điểm lẻ, thậm chí là từng lớp. Sau tiết dạy thể nghiệm, GV cùng thảo luận xây dựng kế hoạch bài học, nhất là những bài học khó. Qua đó thống nhất cách sử dụng ngữ liệu, hoặc thay thế cho phù hợp với địa phương; thảo luận các biện pháp khắc phục việc thiếu đồ dùng dạy học cho giáo viên...
Theo ông Phan Trọng Trung – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ chuyên môn lên hàng đầu. Việc tổ chức thăm lớp dự giờ được tổ chức thường xuyên để tư vấn, hỗ trợ GV tháo gỡ khó khăn trong quá trình dạy học. Các đơn vị cũng rất linh hoạt, chủ động sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường gần gũi địa lý, tương đồng về điều kiện vật chất.
“Chúng tôi khuyến khích GV trên cơ sở bám sát khung chương trình môn học, năm học để chủ động, linh hoạt nghiên cứu, tham khảo các bộ SGK khác. Qua đó, tự xây dựng, bổ sung bài dạy đạt chất lượng hiệu quả; nghiên cứu lựa chọn, mạnh dạn thay thế các ngữ liệu chưa phù hợp trong SGK, bảo đảm kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình ...”, ông Phan Trọng Trung nói.
Trực tiếp tham dự chương trình sinh hoạt chuyên môn cụm tại các huyện, ông Đào Công Lợi - Phó Giám Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá cao hiệu quả và cách làm chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương. Đặc biệt là ở huyện có tỷ lệ HS người DTTS cao, nhưng cả cô lẫn trò đều đã bắt nhịp với SGK mới.
Các trường học tại Nghệ An sử dụng 3 bộ SGK lớp 1 gồm: Cánh Diều với môn Tiếng Việt ở các huyện miền xuôi); Vì sự bình đẳng và phát triển trong giáo dục (môn Tiếng Việt ở các huyện miền núi); Kết nối tri thức với cuộc sống (các môn còn lại). Ông Đào Công Lợi cho biết: “Thời gian tới, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức hội thảo sinh hoạt chuyên môn dạy học SGK lớp 1 theo cụm phòng GD&ĐT. Trên cơ sở đó, sang năm 2021, sở sẽ chỉ đạo tổ chức hội thảo cấp tỉnh. Từ những ý kiến, giải pháp tại hội thảo, ngành chỉ đạo nhà trường tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả vào hoạt động chuyên môn. Đây cũng là hoạt động sẽ được tổ chức thường xuyên giúp GV, nhà trường chủ động, tự tin tiếp cận Chương trình GDPT 2018 và thay SGK theo lộ trình”, ông Lợi thông tin.