Triển khai Chương trình mới: Quyết tâm tạo sự đổi thay

GD&TĐ - Bước vào năm học 2021 - 2022, Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới tiếp tục được triển khai ở lớp 2 và lớp 6.

Giờ lên lớp của cô trò Trường TH&THCS Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Giờ lên lớp của cô trò Trường TH&THCS Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Kế thừa kinh nghiệm thay sách lớp 1 năm 2020, triển khai thay sách lớp 2, lớp 6, các thầy cô đã linh hoạt cách dạy, sáng tạo trong từng giờ lên lớn. Các nhà trường từ đồng bằng đến miền núi đã vượt qua những khó khăn, quyết tâm bảo đảm dạy học tốt, hiệu quả nhất.

Tạo sự thay đổi

Ở Trường Tiểu học Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh), để triển khai CTGDPT mới lớp 2 hiệu quả, các giáo viên đã tranh thủ thời gian khi học sinh nghỉ chống dịch Covid-19 tập trung nghiên cứu tài liệu, sách mềm, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Hương – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Các thầy cô đã tìm hiểu cấu trúc, nội dung, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để sao cho mỗi tiết học thiết thực và hiệu quả nhất. Trường đã chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phải linh hoạt, sáng tạo, chéo nội dung giáo dục nhưng luôn luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chương trình. Với đội ngũ có chuyên môn tốt và có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên đã nắm vững chương trình, khai thác tối đa các nguồn học liệu để truyền tải kiến thức đến học sinh hiệu quả nhất.

Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định), xác định rõ chương trình mới sẽ có những bỡ ngỡ với không chỉ giáo viên mà cả học sinh. Ban giám hiệu nhà trường và tập thể giáo viên đã chủ động tăng cường trao đổi chuyên môn trong tổ, nhóm để thống nhất, điều chỉnh kế hoạch giáo dục sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến môn Hoạt động trải nghiệm của CTGDPT mới. Với các nội dung tập trung nhiều hơn vào hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, kỹ năng quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người thân trong gia đình. Cùng với các hoạt động lao động, hoạt động xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên làm thế nào phát huy hiệu quả cao điểm mới này. Mỗi giờ học làm sao để học sinh hào hứng, với tinh thần học mà chơi, chơi mà học, các em thực sự được thỏa sức sáng tạo”.

Theo cô Phạm Thị Hiên - giáo viên môn Ngữ Văn của Trường THCS Hải Lý, cô và trò đều có những giờ tương tác trực tiếp với nhau qua các tiết học để nhận thấy rõ những ảnh hưởng tích cực mà chương trình - sách giáo khoa mới đem lại. Nội dung chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác.

Đặc biệt với các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM, gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu… là những nội dung để giáo viên có thể gợi mở, tạo hứng thú trong từng tiết học. Sự sáng tạo trong từng giờ học của giáo viên với sách mới đã giúp học sinh tự nhận ra được vấn đề, có được cái nhìn thực tiễn sinh động. Điều này đã tạo hứng thú, giúp tăng cường khả năng tư duy logic cho các em.

Một lớp học ở Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: TG
Một lớp học ở Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: TG

Cùng chung tay vượt khó

Năm học mới, huyện miền núi Trấn Yên của tỉnh Yên Bái thực hiện CTGDPT 2018 ở 53 lớp 2 với 1.633 học sinh, 40 lớp 6 với 1.377 học sinh. Nhà giáo Vũ Quốc Long - Trưởng phòng GD&ĐT - cho biết: “Quan điểm của chúng tôi, thầy cô là chìa khóa giải bài toán CTGDPT mới, đón nhận chương trình mới khó khăn là có nhưng vượt khó dạy tốt là trách nhiệm của thầy cô giáo, chứ không thể nói khó mà chùn bước”.

Để bảo đảm chất lượng đội ngũ, huyện Trấn Yên đã rà soát, xây dựng phương án điều động, phân công dạy đủ và đạt yêu cầu chất lượng. Nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong từng giờ lên lớp và mạnh dạn vận dụng kinh nghiệm thay sách lớp 1 là chìa khóa để thực hiện thành công với lớp 2 và lớp 6 vào năm học này. “Thật vui là năm học mới bắt đầu, các thầy cô đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hăng say đổi mới, sáng tạo”, ông Vũ Quốc Long nói.

Trường TH&THCS Kiên Thành đóng trên địa bàn xã vùng 3 của huyện Trấn Yên, trên 90% học sinh là con em gia đình dân tộc thiểu số còn khó khăn. Cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên của trường - cho biết, khi triển khai CTGDPT mới, nhà trường gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất. Để khắc phục hạn chế này, trường đã huy động xã hội hóa để tất cả các lớp học của khối 1 đều có tivi thay cho máy chiếu hay bảng thông minh. Bước vào bài dạy, giáo viên đã kết nối với máy tính cá nhân để trình chiếu cho học sinh quan sát những hình ảnh trực quan.

“Với một trường vùng cao còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, tổ chuyên môn của tôi đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm theo nhóm. Mỗi người học được kinh nghiệm ở trường bạn, cách làm hay ở thành phố là đều trao đổi để cùng thống nhất giải pháp khắc phục khó khăn cho lớp mình, với mục đích sao cho triển khai hiệu quả giờ học”, cô Hương chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thắm, giáo viên dạy lớp 5, Trường TH&THCS Hòa Cuông, Trấn Yên, cho hay: “Từng giáo viên trong trường đều ý thức việc đổi mới theo chương trình. Từ điều chỉnh kế hoạch giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực đến xây dựng kế hoạch dạy học, điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với học sinh của mình. Ngoài giờ lên lớp, tôi cùng đồng nghiệp thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh, để họ hiểu được mục tiêu của CTGDPT 2018. Từ đó, phụ huynh đồng thuận, đồng hành cùng nhà trường khắc phục khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục”.

Thực tế cho thấy, chương trình mới tích hợp, không phải giáo viên nào cũng làm được ngay. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và chủ động khắc phục khó khăn nên các thầy, cô giáo đều ý thức chủ động trong sinh hoạt chuyên môn, có những trao đổi nhóm để giáo viên cùng rút kinh nghiệm sau mỗi giờ lên lớp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ