Giáo dục thường xuyên vùng khó bắt nhịp Chương trình mới

GD&TĐ - Các trung tâm GDNN - GDTX tại Đắk Lắk chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục phù hợp yêu cầu...

Một tiết học môn Vật lý tại Trung tâm GDNN - GDTX Cư M’gar. Ảnh: TG
Một tiết học môn Vật lý tại Trung tâm GDNN - GDTX Cư M’gar. Ảnh: TG

Thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) mới, các trung tâm GDNN (GD nghề nghiệp) - GDTX tại Đắk Lắk chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục phù hợp yêu cầu.

Nhiều thách thức

Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT theo Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT (Chương trình mới), các trung tâm GDTX - GDNN (trung tâm) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục và dạy nghề phù hợp điều kiện thực tế.

Từ thực tế cơ sở, thầy Nguyễn Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ea Kar cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Trong đó, thiếu nhiều nhất là phòng học lý thuyết, thực hành bộ môn, tạo áp lực lớn trong triển khai Chương trình mới. Bên cạnh đó, công tác phân luồng sau cấp THCS, tuyển sinh, kết hợp dạy văn hóa với nghề nhằm tăng tỷ lệ người lao động qua đào tạo cũng là bài toán khó với trung tâm.

“Trung tâm đang thực hiện 5 giải pháp cơ bản, gồm: Chú trọng tham mưu các cấp quản lý trao quyền chủ động trong tuyển sinh, liên kết đào tạo. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lợi thế việc học văn hóa kết hợp nghề. Thực hiện tốt trong giải quyết chế độ, chính sách cho học viên. Nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo nghề. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học văn hóa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình mới”, thầy Phú trao đổi.

Chia sẻ thêm về điều này, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng - Giám đốc Trung tâm Ea Súp cho rằng, thách thức lớn nhất là nâng cao nhận thức để phụ huynh, học sinh thấy được giá trị học văn hóa kết hợp nghề, từ đó các em không bỏ học giữa chừng.

“Ea Súp là huyện biên giới, diện tích rộng, dân cư sinh sống xa trung tâm, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nhận thức một bộ phận người dân về học tập chương trình GDTX cấp THPT chưa đầy đủ dẫn đến tỷ lệ bỏ học sau THCS cao gây khó khăn cho công tác duy trì sĩ số”, cô Phượng nói.

Trước khó khăn, thách thức, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công phân nhiệm hợp lý. Trong đó chú trọng đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

“Nhờ triển khai đồng bộ giải pháp, chất lượng giáo dục của Trung tâm luôn giữ vững và nâng cao. Trong đó, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng hằng năm đạt trên 85%, lên lớp sau thi lại đạt trên 97%. Tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp 3 năm liên tiếp gần đây đạt 100%”, cô Phượng cho biết.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Phát huy tính chủ động

Công tác tại Trung tâm Cư M’gar, cô Lê Thị Nhung chia sẻ, thực hiện Chương trình mới, đội ngũ giáo viên được tham gia tập huấn chuyên môn, cung cấp tài liệu hướng dẫn dạy học kịp thời. “Nội dung hướng dẫn dạy học chi tiết, rõ ràng về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, định hướng tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá…”, cô Nhung nói và bày tỏ: Các cấp quản lý cần trao quyền chủ động cho đội ngũ, giúp họ phát huy phẩm chất, năng lực, nghiệp vụ.

“Tại Trung tâm Ea Súp, với môn Lịch sử, Sinh học, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn… việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học đạt hiệu quả tích cực. Sau mỗi tiết học có tổ chức trò chơi, đặt và giải quyết vấn đề, hoạt động nhóm, dạy học theo dự án, sơ đồ tư duy, thuyết trình…, học sinh thấy hứng thú, say mê hơn”, cô Phượng nói thêm.

Chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk cho biết, đặc thù đầu vào của học viên chương trình GDTX thấp. Người thầy cần phát huy vai trò động viên, khích lệ, gợi đam mê học tập gắn với mục tiêu, động cơ học tập tích cực của người học.

“Theo tôi, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Ngữ văn trong bối cảnh mới cần được quan tâm hơn nữa từ cơ quan quản lý và xã hội. Bởi, dạy Văn không đơn thuần dạy cái hay, đẹp toát lên từ tác phẩm văn chương, rèn kỹ năng viết, mà còn góp phần quan trọng vào giáo dục đạo đức, tư tưởng học sinh”, cô Nga nói.

Theo cô Nga, để học viên hứng thú học tập, bản thân luôn lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với lớp, nhóm. Khâu chấm, chữa bài cho học sinh cần đầu tư, nhất là phần nhận xét ưu, khuyết điểm và lỗi diễn đạt... phải mang tính động viên.

Ông Đỗ Tường Hiệp cho hay, để nâng cao chất lượng dạy học Chương trình GDTX mới, các trung tâm cần giữ vững kỷ cương, nền nếp, tạo môi trường giáo dục tốt và hướng đến mục tiêu trường học hạnh phúc. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, giá trị sống cho học sinh. Phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.