Triển khai chương trình giáo dục mới ở lớp 2 và lớp 6: Lạc quan nhưng không chủ quan

GD&TĐ - Sau 1 năm triển khai Chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) mới với lớp 1, những thành quả giáo dục ban đầu được ghi nhận, nhiều khó khăn được tháo gỡ.

GV và HS Trường Tiểu học Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng. Ảnh: NTCC
GV và HS Trường Tiểu học Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng. Ảnh: NTCC

Đây chính là bài học, kinh nghiệm quý để các trường tiếp tục triển khai CT, SGK lớp 2, lớp 6 hiệu quả ở năm học 2021 – 2022. 

Phát huy điểm mới

Cô Vũ Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng) chia sẻ: Năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018) với sự tác động của dịch Covid-19 nên các nhà trường gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, đến thời điểm kết thúc năm học, trường đã chủ động điều chỉnh và thực hiện thành công CT, SGK lớp 1.

Theo cô Phượng có nhiều điểm khác biệt giữa CTGDPT 2018 và chương trình hiện hành. Trước hết, CTGDPT 2018 ở lớp 1 ít môn học hơn, GV có thể linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học, phân bổ tiết dạy phù hợp với HS.

Cùng đó, lần đầu tiên hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường. Nội dung giáo dục địa phương được đưa vào kế hoạch giáo dục bắt buộc và được địa phương biên soạn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. CTGDPT 2018 đã tích cực hóa hoạt động của người học, giúp HS hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng…

Với những thay đổi này, năm học vừa qua, HS có những chuyển biến đáng kể, được tiếp cận phương pháp giáo dục tích cực mới… Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) cũng khẳng định, sau một năm thực hiện CTGDPT 2018 sự thay đổi đã đem lại những dấu hiệu tích cực trên nhiều bình diện.

Đối với cán bộ quản lý là tầm nhìn chiến lược về mục tiêu giáo dục thay đổi từ đó chuyển biến trong xây dựng, phát triển đội ngũ GV bởi việc đổi mới chỉ có thể thành công khi GV - người trực tiếp tiếp thu và thực hiện có nhận thức và năng lực mới…

Việc thay đổi CT, mục tiêu giáo dục đã tác động mạnh mẽ tới tư duy, nhận thức của GV. Khi GV trang bị cho mình những năng lực mới phù hợp với yêu cầu hiện nay mới xây dựng được uy tín, thương hiệu bền vững. Việc linh hoạt trong sử dụng tài liệu dạy học, SGK cũng giúp thầy cô dần được “cởi trói” để sáng tạo phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, thực hiện CTGDPT mới giúp các em phát triển năng lực phù hợp với xu thế và nhu cầu thời đại. HS giảm áp lực, hạnh phúc nhiều hơn trong học tập.

Trên góc độ quản lý, ông Lê Chính Luận – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) chỉ ra những kết quả đáng mừng với học sinh lớp 1 vào cuối năm học.

Bắc Hà có 99 lớp 1, tổng số 1.746  HS. Kết quả có 405 HS hoàn thành xuất sắc (đạt 23,1%); Hoàn thành tốt: 465 HS (đạt 27%); Hoàn thành là 829 em (đạt 47,7%); Chưa hoàn thành có 47 HS (chiếm 2,2%). Số HS chưa hoàn thành so với năm học trước giảm 23 em. HS có kĩ năng đọc viết, tính toán tốt, bảo đảm yêu cầu cần đạt, hình thành được phẩm chất, năng lực HS…

HS lớp 1, Trường Tiểu học Núi Đèo trong giờ tập viết. Ảnh: NTCC
HS lớp 1, Trường Tiểu học Núi Đèo trong giờ tập viết. Ảnh: NTCC

Kinh nghiệm cho lớp 2, lớp 6

Từ triển khai CTGDPT mới ở lớp 1, cô Vũ Thị Phượng cho rằng: Để triển khai CTGDPT mới lớp 2 hiệu quả, nhà trường đã tranh thủ thời gian khi HS nghỉ chống dịch Covid-19 (tháng 5) tập trung nghiên cứu tài liệu, sách mềm, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn trực tuyến.

Mặt khác, dự kiến tháng 8/2021, trường sẽ tập trung vào việc dạy thực nghiệm tại trường; Bảo đảm 100% các môn học đều được các thầy cô lên lớp thực nghiệm để rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, đưa ra khó khăn, biện pháp cùng nhau tháo gỡ. Đây cũng là cơ hội để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV.

Thầy Đào Chí Mạnh cho biết thêm: Cán bộ quản lý cần thay đổi chính mình từ đó lan tỏa tới thầy cô giáo. Người đứng đầu cần hướng dẫn và tạo động lực cho GV trong quá trình dạy học; thuyết phục, tuyên truyền để phụ huynh thấy được thay đổi chương trình cần thiết với HS. Từ việc giúp phụ huynh hiểu sẽ đồng hành với hoạt động giáo dục nhà trường.

Theo thầy Mạnh, quá trình triển khai CT, SGK mới lớp 2 có thể lạc quan nhưng không chủ quan và cần kiên trì. Hiệu trưởng cần có mục tiêu chính và kiên trì theo đuổi và thuyết phục GV, phụ huynh theo đuổi mục tiêu đổi mới. Cần có những tác động kịp thời nếu “bánh xe” đổi mới có xu hướng lệch làn... Đặc biệt, cần xác định khó khăn là điều đương nhiên. Không vì khó khăn mà nhà trường quay đầu. Cần liên kết mọi người để cùng hiểu và triển khai, như vậy sẽ có thêm nhiều giá trị tích cực…

Năm đầu triển khai CTGDPT 2018 với lớp 6, kinh nghiệm chưa nhiều, tuy nhiên từ kinh nghiệm trong triển khai lớp 1, cô Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) xác định GV là yếu tố then chốt. Do đó, ban giám hiệu sớm lựa chọn GV “cứng” chuyên môn nhất để “ra quân” lần đầu. Mặt khác, cử GV tham dự tập huấn chương trình lớp 6 mới đầy đủ, có chất lượng.

Quan trọng hơn cả, theo cô Phương Anh là cần tổ chức chọn SGK kĩ càng. Bởi SGK càng phù hợp với HS bao nhiêu thì dạy học thành công bấy nhiêu. Quá trình nghiên cứu chọn SGK cũng giúp GV được tập dượt, hiểu trước về sách, khi triển khai thêm chủ động, sáng tạo… 

Đối với lớp 2, GV các trường tiểu học đã làm quen và có kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình dạy học lớp 1 nhưng không thể chủ quan. GV cần tiếp tục chủ động nghiên cứu chương trình môn học, xây dựng kế hoạch môn học, tổ chức nghiên cứu SGK để lựa chọn đúng theo quy định, phù hợp với đặc điểm của HS trường mình và điều kiện thực tế của địa phương. Nhà trường, ban giám hiệu cần làm tốt hơn nữa việc xây dựng kế hoạch nhà trường để triển khai chương trình lớp 2 mới một cách bài bản, chủ động tránh chủ quan, bị động... - TS Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.