Chương trình sách giáo khoa mới: Hỗ trợ tối đa học sinh vùng khó

Chương trình sách giáo khoa mới: Hỗ trợ tối đa học sinh vùng khó

Bởi đây là bộ sách mới, mỗi trường có lựa chọn khác nhau, giá sách cao hơn… đòi hỏi cung ứng sách đúng tiến độ và có biện pháp hỗ trợ để học sinh khó khăn có đủ sách đến trường.

Đặt dư số lượng

Cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cho biết: Trường có 2 lớp 1 với 17 học sinh. Phần lớn học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy. Do đó, rất khó thu tiền mua sách các em, ngoại trừ những học sinh được hưởng tiền hỗ trợ chi phí học tập.

Trường PTDTBT Tiểu học xã Tu Mơ Rông chọn bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống". Trong quá trình dạy, các giáo viên sẽ chủ động điều tiết, thay đổi phương pháp phù hợp với các em học sinh vùng sâu vùng xa, điều kiện khó khăn. Theo cô Vân, hiện trường vẫn đặt đủ sách, không thể để các em không có sách khi đến trường. Kinh phí mua sách sẽ lựa từ các nguồn xã hội hóa, mạnh thường quân và đóng góp của giáo viên.

Chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT Đắk Lắk gửi công văn về các trường yêu cầu thống kê sơ bộ các em vào lớp 1 thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Chiêu, Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Đắk Lắk), sau khi thống kê số lượng, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Bên cạnh đó, vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cố gắng bảo đảm học sinh có đầy đủ sách vở đến trường.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT có công văn phối hợp với công ty sách trong việc cung ứng sách đến vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, chuẩn bị dư 2%, do đó không sợ thiếu sách cho học sinh trong năm học mới.

Chung tay hỗ trợ học sinh khó khăn

Thực hiện Chương trình sách giáo khoa (SGK), giáo dục phổ thông mới, tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu… gặp không ít khó khăn. Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: Cơ sở vật chất còn thiếu và xuống cấp nhiều. Ngành đang chờ tỉnh phê duyệt kinh xây dựng và mua sắm trang thiết bị (687 tỷ đồng xây dựng và 875 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị). Do vậy, việc bảo đảm cơ sở vật chất thực hiện chương trình mới vẫn là bài toán nan giải.

"Chúng tôi tiếp tục vận các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ kinh phí hoặc mua SGK tặng cho các thư viện trường học, để học sinh nếu chưa có điều kiện sở hữu có thể mượn sách học tập, quyết không để học sinh thiếu sách đến trường", ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên.

Mặt khác, với một tỉnh miền núi, biên giới, đời sống nhân dân còn khó khăn, giá sách giáo khoa mới khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho hay: Mặc dù giá sách mới cao gần gấp 4 lần giá sách cũ khiến bà con dân tộc khó có điều kiện mua trọn bộ sách cho con.

Để học sinh không thiếu SGK, nhất là lớp 1 không phải "học chay", học chung, ông Kiên cho rằng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí mua SGK đối với học sinh dân tộc, học sinh xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh việc mua, tặng sách cho các em có hoàn cảnh khó khăn, ngành GD-ĐT Điện Biên tiếp tục tuyên truyền để huy động nguồn lực xã hội mua sắm SGK, trang thiết bị học tập.

Tại Lai Châu, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020 - 2021 trên địa bàn. Việc cung ứng SGK phải bảo đảm đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8; Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa có bộ SGK mới.

Bên cạnh huy động các nguồn lực mua sắm SGK, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Lai Châu: Sở đã tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về Chương trình GDPT mới về nội dung cơ bản cũng như điểm khác biệt của Chương trình GDPT mới so với Chương trình GDPT hiện hành.

Ông Đinh Trung Tuấn nhấn mạnh: Sở tăng cường rà soát, đánh giá năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp để đội ngũ sẵn sàng cho việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, đáp ứng giảng dạy theo Chương trình GDPT mới. Sở đặt mục tiêu 801 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia buổi tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tại địa phương, 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học được bồi dưỡng về chương trình GDPT tổng thể, đáp ứng yêu cầu đổi mới, chia thành đợt với 4.680 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học tham gia.

Theo ông Đinh Trung Tuấn, sở tham mưu Tỉnh ủy thực hiện kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2017 - 2020 và giai đoạn 2 từ 2021 - 2025. Cụ thể, đối với giai đoạn 1 thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên. Tính đến 31/12/2019 đã hoàn thành 95% trong tổng số 337 phòng học cho mầm non, tiểu học. Giai đoạn 2 thực hiện kiên cố hóa 713 phòng học, xây mới 1.455 phòng học và các phòng chức năng, đầu tư bổ sung 19.442 bộ thiết bị dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng Leopard 2A4 Ukraine bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Clip Leopard 2A4 sập bẫy của chính Kiev

GD&TĐ - Quân đội Nga vừa công bố đoạn video ghi lại cảnh một chiếc Leopard 2A4 Ukraine bị UAV Nga phá hủy khi bị kẹt trong chiến hào do Ukraine tạo ra.

Minh họa/INT

Đường đi của thịt thối

GD&TĐ - Hôm đầu tháng 1/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Phước đã bắt giữ một vụ vận chuyển thịt thối vào TPHCM.