Triển khai Chương trình đánh giá kết quả học tập khu vực Đông Nam Á chu kỳ 2024

GD&TĐ - Việt Nam sẽ triển khai Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) chu kỳ 2024 từ 22/4 đến 28/4.

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương phát biểu tại Hội nghị.
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 5 và 6/4, tại Hà Nội, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo tập huấn quy trình kỹ thuật khảo sát chính thức Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh Tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) chu kỳ 2024.

Tham dự Hội thảo tập huấn có GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; Bà Tara O’ Conell- Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam; Ông Antoine Marivin- Trưởng Quản lý Dự án SEA-PLM; PGS.TS Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Giám đốc SEA-PLM tại Việt Nam; TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; TS. Hà Xuân Thành - Giám đốc Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, Trưởng Ban Kỹ thuật SEA-PLM.

Cùng dự có đại diện các vụ, cục có liên quan thuộc Bộ GD&ĐT; các báo cáo viên, chuyên gia các lĩnh vực khảo sát, cùng với 266 thầy cô giáo thuộc Hội đồng khảo sát cấp tỉnh đến từ 72 cơ sở giáo dục thuộc 25 tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra).

Nhấn mạnh ý nghĩa của Việt Nam tham gia Chương trình SEA-PLM, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương yêu cầu các cá nhân tham dự hội thảo tập trung, tiếp thu đầy đủ nội dung do Ban Tổ chức và các báo cáo viên truyền đạt. Từ đó, hiểu và tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật của Ban Thư ký SEAMEO, Bộ GD&ĐT trong thực thi nhiệm vụ, xử lý/ phối hợp xử lý các tình huống phát sinh trong khảo sát SEA-PLM chu kỳ 2024.

Các hiệu trưởng trường tiểu học tham gia khảo sát cần chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm theo quy định; làm tốt công tác truyền thông để học sinh, phụ huynh, giáo viên hiểu rõ về Chương trình SEA-PLM và tham gia trả lời phiếu hỏi, học sinh làm bài khảo sát với tâm thế thoải mái, nghiêm túc, khách quan, trách nhiệm.

Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (Southeast Asia Primary Learning Metric, gọi tắt là SEA-PLM) là chương trình được thực hiện theo sáng kiến của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Văn phòng khu vực của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF EAPRO. Trọng tâm chính của Chương trình là hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng hệ thống đánh giá học tập hiệu quả; cho phép các quốc gia theo dõi kết quả học tập của học sinh và xây dựng các chính sách cải tiến, từ đó góp phần mang lại nền giáo dục công bằng, có ý nghĩa hơn cho trẻ em trong khu vực.

SEA-PLM hỗ trợ đẩy nhanh mục tiêu phát triển bền vững 4 (SDG 4) để đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng, cũng như thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời.

Với việc đo lường các kỹ năng Toán, Đọc hiểu, Viết và Công dân toàn cầu của học sinh lớp 5, tham gia SEA-PLM có ý nghĩa quan trọng vì kết quả đánh giá sẽ được Bộ GD&ĐT sử dụng để xác định các lĩnh vực được cần cải thiện theo từng giai đoạn.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, đại diện UNICEF tại Việt Nam, Trưởng đoàn các sở GD&ĐT cùng chuyên gia các lĩnh vực tham dự tập huấn.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, đại diện UNICEF tại Việt Nam, Trưởng đoàn các sở GD&ĐT cùng chuyên gia các lĩnh vực tham dự tập huấn.

Ở chu kỳ 2024, Việt Nam triển khai khảo sát chính thức từ ngày 22/4 đến ngày 28/4/2024 tại 152 Trường tiểu học với 152 hiệu trưởng, 1.046 giáo viên dạy lớp 5 và 6.053 học sinh đang học lớp 5 tham gia trả lời phiếu hỏi và học sinh làm bài theo 3 lĩnh vực là Toán, Đọc hiểu và Viết.

Trước đó, tham gia vòng đánh giá đầu tiên - chu kỳ 2019, kết quả ở cả 3 lĩnh vực, học sinh lớp 5 của Việt Nam đều cao nhất trong 6 quốc gia tham gia. Ở lĩnh vực Toán, học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9; tỷ lệ các em đạt được mức năng lực cao nhất (mức 9) là 42%. Các nước còn lại tỷ lệ này đều dưới 10%.

Ở lĩnh vực Đọc hiểu, học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình cao nhất là 6/6; tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt được mức năng lực thứ 6 là 82%. Malaysia đứng thứ hai với 58% học sinh đạt được mức năng lực thứ 6, các nước còn lại tỷ lệ đều dưới 10%. Ở lĩnh vực Viết, học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình là 6/8, tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%, các nước còn lại là 2-4%.

Từ sự thành công của SEA-PLM chu kỳ 2019, vòng đánh giá mới SEA-PLM chu kỳ 2024 sẽ tiếp tục chuyển đổi, trở thành một chương trình bền vững hơn nhằm cung cấp xu hướng học tập của học sinh được so sánh theo thời gian thông qua các vòng đánh giá theo chu kỳ; đồng thời, thúc đẩy trao đổi, hợp tác chính sách giữa các quốc gia trong khu vực, các đối tác liên quan khác.

SEA-PLM chu kỳ 2024 sẽ mang đến những cơ hội mới để thu hút các bên liên quan, xây dựng quan hệ đối tác, thúc đẩy các quốc gia mới tham gia và nâng cao hiệu quả của mô hình hoạt động. Hội thảo tập huấn kỹ thuật tiếp tục được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh trong 2 ngày 10 và 11/4 cho các Hội đồng khảo sát cấp tỉnh thuộc 28 tỉnh, thành phố phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.