Đánh giá định kỳ với học sinh tiểu học: Bảo đảm sức khỏe và chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19.

Học sinh tiểu học làm bài kiểm tra trực tuyến.
Học sinh tiểu học làm bài kiểm tra trực tuyến.

Hướng dẫn được cho rằng cần thiết để các nhà trường chuẩn bị sẵn sàng điều kiện khi thời điểm kiểm tra cuối học kỳ I đang tới gần. 

Sẵn sàng triển khai trong điều kiện bảo đảm

Cô Vũ Trinh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trao đổi: Hiện, trường đang là trạm y tế lưu động đón F1 cư trú tại phường Hàng Đào vào cách ly. Đây là vấn đề khó nhất khi trường thực hiện kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tiếp cho HS.

Song việc triển khai kiểm tra định kỳ đối với HS toàn trường nói chung, khối lớp 1, 2 nói riêng trong điều kiện đảm bảo là cần thiết để đánh giá, nhìn nhận lại quá trình dạy và học của GV, HS. Trên cơ sở đó trường sẽ đưa ra những định hướng, rút kinh nghiệm… để việc dạy học giai đoạn tới nâng cao hiệu quả.

Mặt khác, theo cô Hương dịch có thể kéo dài, HS phải học cả năm học theo hình thức trực tuyến, thì việc đánh giá trực tiếp cũng không thể bỏ qua. Bởi đánh giá trực tuyến khó để bảo đảm đúng kết quả dạy học…

Trường Tiểu học Hồng Hà, với 120 HS khối 1, 140 HS khối 2, nhà trường sẽ mượn tạm phòng học của 1 trường tiểu học cùng địa bàn để tiến hành kiểm tra.

Trước khi kiểm tra sẽ làm tốt nhất công tác vệ sinh trường lớp, thực hiện triệt để 5K, có phương án bố trí chia nhỏ theo khối, lớp để đảm bảo giãn cách khi HS tới trường kiểm tra; tăng cường tuyên truyền giải thích để phụ huynh, học sinh yên tâm…

Bày tỏ sự nhất trí với hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19 của Bộ vừa đưa ra, cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: Bài kiểm tra định kỳ với lớp 1, lớp 2  được tổ chức trực tiếp mới thể hiện đúng nhất và thấy được chất lượng, hiệu quả dạy học thực sự.

Dạy học trực tuyến lớp 1, 2 thời gian qua dù GV nỗ lực đến mấy, phụ huynh hỗ trợ thế nào thì kết quả cũng không bằng trực tiếp, còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Việc kiểm tra định kỳ trực tiếp cần thiết và hướng tới mục đích vì chất lượng giáo dục chứ không phải vì điểm số.

Khi các nhà trường tổ chức kiểm tra định kỳ trực tiếp cho HS lớp 1, 2 tại trường có nghĩa phải thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế bảo đảm an toàn trong phòng dịch.

Với tổng số HS khối 1 và 2 hơn 600, trường có thể chia nhỏ theo khối, ca,  lớp để triển khai đảm bảo an toàn phòng dịch. Cùng đó sẽ thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của Bộ như tổ chức họp với cha mẹ HS để phổ biến, hướng dẫn; tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện;

“Bảo đảm sức khỏe HS không chỉ bố mẹ mà toàn ngành Giáo dục, GV, nhà trường… hướng tới. Do đó, việc tổ chức kiểm tra định kỳ trực tiếp chỉ thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cho phép...  Trong trường hợp bất khả kháng, thời điểm kiểm tra định kỳ trực tiếp HS không thể đến trường làm bài, nhà trường sẽ báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện bảo đảm theo quy định trước khi thực hiện…”, cô Minh trao đổi.

Trao đổi về hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19, NGƯT Bùi Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Lào Cai, Lào Cai) cho rằng nhà trường đã tính toán kĩ lưỡng, hợp lý các phương án và có thể linh hoạt triển khai.

Theo cô Chi, tình hình dịch tại thành phố Lào Cai và địa bàn nơi nhà trường đóng chân đã kiểm soát tốt. Việc dạy học từ đầu năm cho HS diễn ra theo hình thức trực tiếp; phụ huynh cũng yên tâm với công tác phòng dịch khi HS học và kiểm tra tại trường… nên việc kiểm tra định kỳ trực tiếp theo hướng dẫn của Bộ hoàn toàn phù hợp.

Các địa phương dạy trực tiếp cần có phương án phòng dịch cho học sinh. Ảnh minh họa
Các địa phương dạy trực tiếp cần có phương án phòng dịch cho học sinh. Ảnh minh họa

Đặt sức khỏe học sinh lên hàng đầu

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) trao đổi: Phòng đang  đợi hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc triển khai hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá HS tiểu học thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19 của Bộ.

Tuy nhiên, bà Hằng bày tỏ quan điểm: Hướng dẫn của Bộ là chung cho các địa phương toàn quốc, còn việc thực hiện phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Do đó hướng dẫn bao quát và thể hiện sự linh hoạt chứ không yêu cầu triển khai một cách “cứng nhắc”.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương, GV Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đồng quan điểm với việc đặt sức khỏe HS lên trước khi chuẩn bị triển khai đánh giá định kỳ trực tiếp. Theo cô Phương, GV không ngại khó khăn và làm hết trách nhiệm, miễn sao sức khỏe HS đảm bảo và có được kết quả trung thực nhất.

Khẳng định hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá HS tiểu học vừa đưa ra của Bộ mang tầm vĩ mô, bao quát nhưng cũng cụ thể, linh hoạt. Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nêu quan điểm: Các địa phương, nhà trường hoàn toàn không bị “gò ép” trong việc tổ chức thực hiện với các điều kiện riêng.

Theo thầy Mạnh, nếu điều kiện đảm bảo theo hướng dẫn nên tổ chức kiểm tra định kỳ trực tiếp để thấy được kết quả dạy học thực chất. Từ đó giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá và nâng cao chất lượng dạy học…

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nôi) khẳng định: Trong điều kiện bảo đảm nhà trường sẽ tổ chức thực hiện đánh giá định kỳ theo quan điểm đặt sức khỏe HS lên hàng đầu. Trường sẽ làm công tác tư tưởng, lấy ý kiến chung của HS để tổ chức.  Với khoảng 600 HS của 2 khối 1, 2 trường có thể chia nhỏ theo khối lớp và thi các khung giờ khác nhau để bảo đảm không tập trung đông người. Cán bộ, GV, nhân viên nhà trường chấp nhận vất vả, miễn sao bảo đảm tốt nhất sự an toàn HS và có được kết quả kiểm tra phản ánh đúng chất lượng dạy học nhất. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.