SEA PLM đánh giá HS lớp 5 ở các lĩnh vực Toán, Đọc hiểu, Viết và Giáo dục Công dân toàn cầu. Có 6 quốc gia tham gia kỳ khảo sát gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Philippines.
Năng lực nền tảng của bậc tiểu học
Trong hai năm học lớp Một và lớp Hai, em Q.Ph, HS Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chỉ học chung với các bạn cùng lớp 7 buổi/tuần, 3 buổi còn lại, Ph. học tại phòng sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) đặc biệt dành cho những HS khó khăn về học. Ph. gặp phải hội chứng khó khăn về học, gần hết học kỳ I của năm học lớp Một, em không thể nhớ nổi các chữ cái nên chuyện ghép vần vượt quá khả năng của em.
“Bằng nhiều phương pháp như gắn chữ cái vào các trò chơi, dụng cụ trực quan, phóng to những chữ khó dán lên tường… cho đến cuối tháng 8, khi HS tựu trường thì Ph. cũng đủ điều kiện để lên lớp Hai” – cô Nguyễn Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự kể.
Căn phòng dành riêng cho CLB đặc biệt sinh hoạt được nhà trường trang bị những phương tiện, đồ dùng học tập đặc biệt để giúp HS có thể rèn luyện, củng cố kỹ năng tính toán, đọc hiểu và viết ở mức chuẩn tối thiểu của chương trình học. Sang lớp Ba, Q.Ph không còn tham gia học chương trình đặc biệt ở CLB nữa. “Khi đọc thành thạo rồi em không còn sợ các giờ học tiếng Việt nữa. Em cũng hiểu được yêu cầu của các đề Toán và biết cách giải”, Ph. kể.
Theo cô Trần Thị Kim Bình, giáo dục ở bậc tiểu học phải đảm bảo cho HS có những hiểu biết cơ bản và cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người. HS được trang bị các kỹ năng như nghe, nói, đọc, viết, tính toán. “Học sinh tiểu học, khi xét lên lớp, đều phải đảm bảo các kỹ năng tính toán, đọc hiểu, viết phải đáp ứng ở mức độ trung bình.
Nếu em giỏi các môn khoa học tự nhiên, xã hội, mỹ thuật, nói năng lưu loát nhưng tính toán, đọc, viết không đáp ứng được chuẩn tối thiểu thì buộc phải ở lại lớp vì đây là những kỹ năng tối thiểu cần thiết. Nếu không đọc thông viết thạo, tính toán chậm, càng lên lớp trên các em càng đuối, không theo kịp các bạn khi kiến thức nhiều hơn, yêu cầu cao hơn” – cô Bình khẳng định.
Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: Kết quả khảo sát của SEA PLM với việc HS tiểu học Việt Nam đứng đầu 3 lĩnh vực gồm Toán, Đọc hiểu, Viết phản ảnh đúng với nội dung chương trình giáo dục tiểu học cũng như mức độ đầu tư của GV, phụ huynh ở bậc học này.
Ngoài ra, thầy Phong cho rằng: Với 4 mức độ nhận thức trong thiết kế ma trận của đề kiểm tra định kỳ cũng góp phần đẩy chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học lên. “Với cách thay đổi kiểm tra, đánh giá chỉ ở 3 mức, không còn mức vận dụng cao có thể mục tiêu giáo dục tiểu học sắp tới sẽ có sự điều chỉnh, đối với cả phía phụ huynh và GV. Vì với 3 mức,
HS có sức học bình thường cũng có thể dễ dàng đạt mức điểm từ 7 - 9. Lúc đó, GV sẽ chú trọng đến phát triển năng lực toàn diện cho HS thay vì dành nhiều thời gian để luyện các dạng đề có yêu cầu cao” – thầy Phong nhận định.
Xây dựng chân đế vững chắc
Theo nhận xét của thầy Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam), khoảng 6 năm gần đây, kỹ năng đọc hiểu, tính toán và viết khi kiểm tra chất lượng đầu vào của HS lớp 6 đã có sự cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra cuối năm học ở lớp có sự tham gia của giáo viên trường THCS, theo thầy Điệp, cũng buộc hiệu trưởng các trường tiểu học chịu trách nhiệm về chất lượng của HS khi bàn giao cho trường THCS. “Vì vậy, gần như không còn tình trạng HS tốt nghiệp tiểu học mà không đọc thông viết thạo, sáng lớp Sáu chiều lớp Một như nhiều năm về trước” – thầy Điệp khẳng định.
Mô hình VNEN được xem là bước đệm để triển khai Chương trình GDPT 2018. Cô Nguyễn Thùy Linh – GV Trường Tiểu học Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: Với phương pháp dạy học của VNEN, GV buộc phải thay đổi thói quen và tư duy khi lên lớp.
Trước đây, cô cố gắng truyền tải hết kiến thức và học trò phải theo cô. Nhưng với phương pháp dạy học của VNEN, cô giáo phải dựa vào mức độ tiếp nhận của HS để chuẩn bị đồ dùng dạy học cho phù hợp, theo sát từng HS để nắm bắt khả năng tự lĩnh hội kiến thức để có sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời. Vì vậy, các kỹ năng đọc hiểu, viết, tính toán của HS được rèn luyện tốt hơn.
Với các trường tiểu học có HS khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ học hòa nhập, chương trình dạy học đối với những em này sẽ được giảm tải, ưu tiên cho các kỹ năng tính toán, đọc hiểu và viết ở mức độ trung bình. Với những HS học yếu, GV cũng chủ yếu chú trọng rèn luyện cho HS những kỹ năng căn bản này để các em đủ điều kiện lên lớp.