Triển khai Chương trình (CT), SGK mới: Những chuyển biến tích cực

GD&TĐ - Dẫu gặp những khó khăn, vướng mắc ban đầu xong tới nay ghi nhận sự chủ động thích nghi trong dạy và học. Giáo viên, học sinh yên tâm, không áp lực và tự tin sẽ về đích cùng chương trình và SGK mới.

Ban giám hiệu và tổ chuyên môn dự giờ tại lớp 1A7 Trường Tiểu học Phan Đình Giót. Ảnh: NTCC
Ban giám hiệu và tổ chuyên môn dự giờ tại lớp 1A7 Trường Tiểu học Phan Đình Giót. Ảnh: NTCC

Nhanh chóng “hòa nhịp” chương trình

Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: Việc dạy và học diễn ra ổn định. So với cùng kỳ năm trước, kết quả triển khai CT, SGK Cánh Diều tích cực hơn. Năm ngoái sau mỗi âm, vần HS phải luyện viết nhiều, nay giảm nhẹ yêu cầu đó khiến HS “nhàn” hơn. Mặt khác, nhà trường áp dụng HS khối 1 không mang cặp sách về nhà, cuối tuần GV gửi nhận xét kết quả học tập cả tuần nên phụ huynh không cảm thấy áp lực và có phản ứng mang tính tình huống. Đặc biệt, phụ huynh có thể nhìn nhận HS hoàn thành kĩ năng, nội dung nào đó một cách cụ thể.

Theo thầy Mạnh, việc triển khai dạy học cho 245 HS lớp 1 tại Trường Tiểu học Kim Ngọc diễn ra suôn sẻ. Chưa thể đánh giá kết quả toàn diện song với dấu hiệu tích cực ghi nhận được tại mỗi lớp học giúp thầy hiệu trưởng tin tưởng việc dạy học theo CT, SGK mới sẽ hoàn thành và về đích.

Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (huyện Mường Lát – Thanh Hóa) khẳng định: Với 100% HS người dân tộc và thuộc vùng khó nên triển khai CT, SGK nào cũng khó hơn so với HS vùng xuôi chứ không phải vì triển khai CT và SGK Cánh Diều. Thậm chí, nếu so với triển khai sách Công nghệ giáo dục, GV nhận xét dễ triển khai, HS tiếp nhận kiến thức nhanh hơn, không áp lực trong cả dạy và học.

Theo thầy Tùng, dạy học tại vùng khó như huyện Mường Lát, GV phải đối diện với nhiều thách thức: HS dân tộc tiếp thu chậm, hạn chế về tiếng Việt nên việc nhớ mặt chữ cái, ghép âm, vần, đọc cả câu của HS còn chậm. Cùng đó, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, công nghệ thông tin thiếu, GV chưa thể ứng dụng phương pháp dạy học hiện đại vào thực tế giúp HS dễ tiếp thu bài học...

Tuy nhiên, ban giám hiệu đã có chỉ đạo sát sao, định hướng kịp thời giúp GV linh hoạt thay đổi các ngữ liệu phù hợp với HS, tận dụng thiết bị dạy học năm học trước, kết hợp làm thêm đồ dùng dạy học... việc dạy học vẫn cơ bản bảo đảm và phát huy hiệu quả.

Thầy Lê Quang Tùng cũng đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ GV lớp 1 trong việc tìm tòi phương pháp dạy học hiệu quả, chủ động soạn giáo án phù hợp với HS… nên 60% HS/10 điểm trường đã theo kịp CT, SGK lớp 1 mới. Việc nhớ chữ cái, ghép, đánh vần của HS tiến triển đáng kể so với 2 - 3 tuần đầu năm học… Với một số HS dân tộc Thái, Mông tiếp thu chậm, GV có kế hoạch và dành thời gian hỗ trợ vào buổi chiều, tối… nên HS có sự tiến bộ nhất định.

“Trường chỉ đạo GV không chạy theo yêu cầu tốc độ thời gian, thời lượng chương trình; Chủ động thay thế ngữ liệu phù hợp HS. HS có thể nhớ, và đọc chậm hơn yêu cầu chung… song cuối năm vẫn đạt được mục tiêu đọc thông viết thạo là thành công” – thầy Lê Quang Tùng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thu Quỳnh, có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: 1 - 2 tuần đầu thấy dư luận về áp lực học theo CT, SGK mới cũng sốt ruột. Tuy nhiên thấy con học bình thường, không nhăn nhó khó dễ hay sợ học. Mặt khác, GV nhà trường áp dụng thiết bị dạy học hiện đại vào giảng dạy nên tiết học phong phú, HS hào hứng. Các cô cũng chủ động tương tác, hướng dẫn phụ huynh phương pháp kèm HS tại nhà… nên cả GV, HS, phụ huynh đều không áp lực. Với tiến triển như hiện nay, tôi không còn lo lắng việc học của con. Tôi cũng cho rằng học thêm tại nhà hay ở trung tâm không cần thiết với HS lớp 1. 

Cô và trò HS lớp 1A7 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) hứng thú trong tiết Toán. Ảnh: NTCC
Cô và trò HS lớp 1A7 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) hứng thú trong tiết Toán. Ảnh: NTCC

Hỗ trợ tích cực GV lớp 1

Cô Đỗ Huyền Trang, GV dạy lớp 1A8, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Do chuẩn bị kĩ càng về phương pháp, giáo án, tâm thế… nên việc dạy và học diễn ra ổn định, HS theo kịp chương trình.

Đặc biệt, GV khối 1 có sự hỗ trợ sát sao, động viên kịp thời của ban giám hiệu, tổ chuyên môn. GV lớp 1 tham dự thường xuyên vào các buổi sinh hoạt chuyên đề cấp quận, nhà trường nên học hỏi và tăng cường kinh nghiệm; Tổ chuyên môn nhà trường cũng tìm kiếm các bài giảng mẫu trên mạng, sưu tầm tư liệu dạy học để GV nghiên cứu và áp dụng giảng dạy, mỗi tiết học thêm phong phú, hiệu quả. GV và HS hoàn toàn tự tin sẽ hoàn thành chương trình với kết quả tốt.

Theo Lê Quang Tùng, hiệu trưởng và 2 hiệu phó thường xuyên dự giờ lớp 1 tại 9 điểm trường lẻ để hỗ trợ GV nếu gặp vướng mắc. Mặt khác “bất kỳ khi nào thầy cô gặp vướng mắc có thể gọi điện cho hiệu trưởng, tổ chuyên môn cùng tháo gỡ. Dạy và học có thể chậm nhưng tới đâu chắc đó. Nhà trường luôn đồng hành cùng thầy cô trong chuyên môn để việc dạy và học đạt hiệu quả tối đa…”.

Thầy Đào Chí Mạnh cũng khẳng định:  Nhà trường có sự chuẩn bị kĩ càng về chuyên môn, tâm lý… cho thầy cô dạy lớp 1. Hơn thế trong quá trình triển khai nảy sinh khó khăn, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn sẽ tháo gỡ ngay cùng GV. Ban giám hiệu thống nhất cùng GV dạy lớp 1 là: “Không để GV tự triển khai, tự gánh áp lực. Ban giám hiệu kiểm tra nhưng không đánh giá quy trình, thời lượng đúng hay sai theo thời điểm. Kiểm tra, dự giờ chỉ để xem GV cần hỗ trợ không? Hỗ trợ những gì?...” - thầy Mạnh bày tỏ.

Có thể nói, tới thời điểm này việc dạy và học theo CT, SGK mới tại hầu hết các trường tiểu học đã đi vào “guồng” và ổn định. Nhiều tín hiệu vui khi phụ huynh phản ánh con không sợ học, thích đến trường. Cùng đó, phần lớn GV đã chủ động, linh hoạt trong từng tiết dạy, chủ động dẫn dắt kiến thức, không phụ thuộc vào SGK để tiết học đạt hiệu quả.

Đánh giá kết quả dạy học theo CT, SGK mới thời điểm này là chưa thể. Song với những tín hiệu vui từ GV, HS và các nhà trường có thể coi đây là thành công ban đầu. Với sự kiên trì, nỗ lực, vững vàng kiến thức, nắm rõ yêu cầu CT, SGK mới… chắc chắn GV và HS lớp 1 sẽ vượt qua khó khăn, tháo bỏ “nút thắt” tiến về đích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.