Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm phụ trách khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – chia sẻ Nghị quyết số 43 của Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2022. Đây là Nghị quyết có tính đặc thù vì hầu hết các Nghị quyết của Quốc hội có chứa nội dung quy phạm pháp luật đều có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều này khẳng định ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp bách của các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Quốc hội quyết định tại phiên họp bất thường của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Văn Nhã có một số ý kiến cho rằng thời điểm ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển là chậm so với yêu cầu hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế cho thấy, cuối năm 2020 đã nghiên cứu chuẩn bị khá kỹ lưỡng, Chính phủ đã phải chủ động trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định sớm hơn vào tháng 7, 8/2021, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch covid-19, vừa gắn với mục tiêu phục hồi sản xuất và kinh doanh.
Thời điểm đó, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, không bị áp lực giá cả và lạm phát tăng lên, dư địa nới lỏng tiền tệ thuận lợi hơn để thực hiện mục tiêu chính sách. Thời điểm thực hiện nghị quyết số 43 từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 có nhiều yếu tố không thuận như: áp lực giá cả, lạm phát tăng cao hơn, việc nới lỏng tiền tệ gặp bất lợi, bội chi NSNN tăng cao hơn so với dự đoán cũng tạo áp lực tăng lãi suất huy động.
“Vấn đề đặt ra thời gian tới là, phải phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào để có môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi nhằm thực hiện Nghị quyết số 43 có hiệu quả?” - PGS.TS Đinh Văn Nhã nêu ý kiến.
Kiến nghị giải pháp tiếp tục thực hiện một số chính sách tài chính, TS Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội – nhìn nhận, đánh giá các chính sách tài chính ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh đã được ban hành và triển khai trong thời gian qua là phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, đơn giản hoá quy trình, thủ tục;
Đồng thời, các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo TS Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam đã hỗ trợ các đối tượng bị tổn thương vì đại dịch Covid-19 tương đối sớm, đúng đối tượng, và kịp thời.
Tuy nhiên thực tế thực thi chi NSNN cho thấy, các chính sách còn tương đối thận trọng, quá chặt chẽ và mang tính “nghe ngóng”, nhất là giai đoạn từ quý 3/2021 trở về trước; trong khi đó, còn nhiều lỗ hổng về giám sát mua sắm trang thiết bị, thuốc phòng chống Covid-19 khiến tham nhũng xuất hiện trong hệ thống Các trung tâm y tế kiểm soát dịch bệnh (CDC) các địa phương.
Việc quy định quá chặt chẽ trong hỗ trợ của Chính phủ khiến người thụ hưởng nhận sự hỗ trợ còn chậm so với dự kiến. Các liều hỗ trợ không tính đến đầy đủ trường hợp bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng nên khi những điều này xảy ra khiến mức hỗ trợ trở nên nhỏ giọt.
Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 được thiết kế để giúp hồi phục nhanh và vững chắc hơn nền kinh tế trên cơ sở đại dịch về cơ bản đã được kiểm soát tốt hơn và thực hiện chủ trương từ bỏ Zero Covid.