Đây là hội nghị tổng thể có sự tham gia của nhiều bên liên quan để tìm ra giải pháp tối ưu, nhằm thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình của Thông tư số 46 của Bộ Y tế.
Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hồ sơ bệnh án phải được lập bằng giấy hoặc hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật theo quy định và thời gian lưu trữ từ 10 – 20 năm tùy từng trường hợp.
Ông Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: “Triển khai thành công bệnh án điện tử giúp người bệnh, thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh và nhà quản lý thu được rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn như người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh;
Bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.
Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm và không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.
Ngoài ra, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có”.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử như lãnh đạo các bệnh viện chưa quyết liệt, tâm lý chờ cơ quan quản lý cấp trên; chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng,ơ kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.