Các nhà nghiên cứu của Google Brain (bộ phận chuyên nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo của Google) và đại học Standford vừa công bố một bài báo trên tạp chí khoa học Nature, một trong những tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới, về cách thức các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu lớn và phương pháp máy học để dự đoán về số phận của các bệnh nhân trong bệnh viện.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các thuật toán để dự đoán các thông tin quan trọng về bệnh nhân, chẳng hạn thời điểm họ sẽ qua đời, thời gian họ sẽ lưu trữ trong bệnh viện, khả năng tái nhập viện sau khi đã về nhà... thuật toán này sẽ dựa vào hồ sơ y tế của người bệnh, bao gồm các ghi chú lâm sàng, tình trạng diễn tiến bệnh, mức độ bệnh tình...
Google đã hợp tác với Trường đại học Y Chicago và Đại học Y Stanford từ năm ngoái để tiếp cận với một loạt các hồ sơ y tế (danh tính của người bệnh được giấu kín để bảo đảm riêng tư) để xây dựng mô hình máy học cho trí tuệ nhân tạo của mình.
Tổng cộng Google đã truy cập vào hồ sơ sức khỏe của trên 216.000 bệnh nhân lớn tuổi nhập viện trong vòng 24 giờ trở lên và đã tạo ra hơn 46 tỷ điểm dữ liệu.
Đặc biệt trí tuệ nhân tạo của Google có khả năng kết hợp dữ liệu từ các hồ sơ bệnh án lưu trữ dưới dạng file PDF hoặc ghi chú viết tay của các bác sĩ để tạo thành một dữ liệu chung, đây là điểm mà các nhân viên y tế thực sự ấn tượng về trí tuệ nhân tạo của Google.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo của Google dự đoán chính xác hơn so với các phương pháp tiên lượng về tình trạng người bệnh truyền thống, cụ thể mức độ chính xác trong các dự đoán trí tuệ nhân tạo của Google lên đến 95% so với 86% của phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên Google cũng nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo của hãng không đóng vai trò thay thế của các bác sĩ trong việc chẩn đoán cho người bệnh mà chỉ như một công cụ hỗ trợ để phân tích các dữ liệu từ chẩn đoán của bác sĩ để đưa ra các dự đoán và hỗ trợ tốt hơn cho các bác sĩ.
Quan trọng hơn trí tuệ nhân tạo này sẽ giúp Google tiến sâu hơn vào thị trường chăm sóc sức khỏe đang giàu tiềm năng, nơi mà hãng có thể cung cấp trí tuệ nhân tạo như một dịch vụ cho các bác sĩ để giúp họ tiết kiệm thời gian tổng hợp và phân tích các dữ liệu về người bệnh.
Dù vậy nghiên cứu này của Google cũng gây nên những lo ngại trong giới y bác sĩ về việc trí tuệ nhân tạo một ngày nào đó sẽ kiểm soát quá nhiều trong cuộc sống của con người. Công nghệ này cũng làm nảy sinh những mối quan ngại về vấn đề đạo đức khi mà ai là người có thể tiếp cận với thông tin về thời điểm cái chết của người bệnh.