Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều trường học bắt đầu làm quen, khám phá và bước đầu ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập. Dù hành trình còn nhiều thách thức nhưng cũng mở ra không ít cơ hội và hy vọng.
Học sinh bắt đầu “hỏi AI”
Từ đầu năm 2024, thầy Nguyễn Phước Diệu - giáo viên Trường THPT Quách Văn Phẩm (Cà Mau), nhận thấy nhiều học sinh lớp 11, 12 sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, Gemini hay Copilot để hỗ trợ việc học. “Các em dùng AI để tóm tắt bài, gợi ý cách giải toán, thậm chí tạo dàn ý bài văn. Điều thú vị là nhiều em chủ động khoe với tôi về việc nhờ AI hỗ trợ trong công việc học tập, tôi thấy đó là tín hiệu tích cực”, thầy Diệu chia sẻ.
Không chỉ riêng Cà Mau, tại các địa phương khác vùng ĐBSCL, việc học sinh sử dụng AI dần trở nên phổ biến, đặc biệt ở cấp THPT và sinh viên đại học. Cô Trương Quỳnh Anh - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS - THPT Vĩnh Lộc (An Giang) đã bất ngờ khi một học sinh trình bày quan điểm mạch lạc, trích dẫn tài liệu nước ngoài trong bài viết. Sau đó, em nói, con nhờ AI hỗ trợ tìm ý. Khi hỏi sâu hơn, em vẫn nắm rõ nội dung.
Tuy nhiên, như bất kỳ công nghệ mới nào, việc AI “bước vào lớp học” ban đầu gây ra không ít bối rối. Nhiều giáo viên chưa từng tiếp cận các công cụ AI, trong khi học sinh lại nhanh chóng tìm tòi và thử nghiệm.
Ông Phạm Duy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Hậu Giang), chia sẻ: “Áp dụng AI vào dạy học không chỉ mang lại lợi ích, mà còn đặt ra không ít thách thức, đồng thời mở ra cơ hội mới cho sự phát triển giáo dục hiện đại. Một trong những lợi ích lớn của AI là khả năng tối ưu hóa quá trình giảng dạy và học tập, tạo ra các bài giảng và tài liệu phong phú, phù hợp từng học sinh. AI cũng giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh thông qua các hoạt động học tập sáng tạo, thú vị”.

AI không phải phép màu
Nhiều giáo viên cùng quan điểm, AI không thể thay thế hoàn toàn tư duy con người, nhưng nếu biết cách sử dụng đúng, nó sẽ là công cụ tuyệt vời để giúp học sinh học tốt hơn. Trong tiết học Ngữ văn, thay vì yêu cầu học sinh viết bài nghị luận từ đầu, giáo viên có thể cho các em đề bài và so sánh bài viết của AI với bài viết tự làm. Qua đó, học trò sẽ học được cách phân tích lập luận, phát hiện sự sáo rỗng và học cách viết cá nhân hóa hơn.
“Chúng tôi không cấm học sinh dùng AI mà dạy các em cách đặt câu hỏi đúng, kiểm chứng thông tin do AI cung cấp và sử dụng nó để hỗ trợ quá trình học tập, chứ không phải nhờ AI học giùm”, một giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) nói.
Tương tự, cô Đoàn Thị Hạnh - giáo viên môn Lịch sử tại Trường THPT Mỹ Tho (Tiền Giang) từng cho học sinh dùng AI để trả lời các câu hỏi về Chiến tranh Thế giới thứ Hai, rồi yêu cầu các em phản biện lại câu trả lời đó. Có nhóm đã chỉ ra AI nhầm lẫn năm diễn ra một số sự kiện, điều đó khiến nữ giáo viên thấy vui vì các em không thụ động tiếp nhận.
Dù AI còn là khái niệm mới mẻ với nhiều giáo viên, các trường học tại ĐBSCL đang từng bước thay đổi cách tiếp cận. Một số trường đã mạnh dạn đề xuất kế hoạch đào tạo nội bộ về AI, đồng thời tích hợp các kỹ năng số vào quá trình giảng dạy.
Bà Trần Thị Huyền - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, cho biết, nhằm triển khai chương trình chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2021 - 2025, phòng GD&ĐT các địa phương đã ra mắt Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh VNEDU-IOC, triển khai phần mềm quản lý nhà trường cho cả 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS.
“Ngành Giáo dục Hậu Giang mong muốn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được tiếp cận và ứng dụng AI khoa học và bài bản, phù hợp với thực tế mô hình giảng dạy địa phương, qua đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục”, bà Huyền chia sẻ thêm.
Để giúp đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiếp cận công nghệ mới, từ năm học 2023 - 2024, ngành GD-ĐT Hậu Giang chủ động mời các chuyên gia, diễn giả đến từ trường đại học lớn tập huấn về sử dụng AI. Nhờ đó, các cơ sở giáo dục trong tỉnh không chỉ tiếp cận công nghệ, mà còn từng bước chủ động sử dụng công cụ và thuật toán AI như Gemini AI và ChatGPT để soạn giảng, thiết kế câu hỏi hấp dẫn cho bài giảng, giúp học sinh tiếp cận kiến thức sâu hơn.

Tương lai của AI trong giáo dục
Ở khối đại học, Trường Đại học Đồng Tháp không đứng ngoài cuộc trong việc đưa AI vào chương trình đào tạo. PGS.TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp, cho biết, nhà trường đang đẩy mạnh phát triển chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng ChatGPT và AI trong dạy học, kiểm tra và đánh giá, nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái AI trong giáo dục thời gian tới.
Khẳng định, AI được coi là công cụ hữu ích trong việc phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Việc phát triển năng lực AI không chỉ xây dựng môi trường học tập sáng tạo, mà còn giúp học sinh nhận thức rõ tiềm năng của bản thân, hướng tới việc trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.
“Xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục là không thể đảo ngược. AI chắc chắn sẽ tác động toàn diện đến việc thay đổi chương trình học, cải thiện quá trình dạy và học, hỗ trợ kiểm tra và đánh giá học sinh trên lớp. Điều này giúp giáo viên có thông tin và học sinh có nhiều cơ hội học tập.
Việc ứng dụng công nghệ AI vào giáo dục cần thực hiện theo hai giải pháp: Ngắn hạn và lâu dài. Giải pháp ngắn hạn là phát triển năng lực số cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý để họ có thể giảng dạy và quản lý trường học hiệu quả hơn. Lộ trình lâu dài cần thay đổi chương trình giảng dạy để học sinh tiếp cận AI sớm hơn”, ông Vinh chia sẻ thêm.
Không chỉ nhà trường, phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng con em sử dụng AI đúng cách. Bà Trần Ngọc Diễm - phụ huynh học sinh lớp 10, Trường THPT Tịnh Biên (An Giang), chia sẻ: “Tôi thường khuyến khích con dùng ChatGPT để tra cứu thêm kiến thức. Nhưng sau đó, tôi luôn kiểm tra lại kiến thức bằng cách đặt câu hỏi xem con hiểu phần đó thế nào. Nhờ vậy, con học cách suy nghĩ, tư duy chứ không lệ thuộc vào công cụ trí tuệ nhân tạo”.