Tri ân nhà giáo bằng chính sách

GD&TĐ - Nghề giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tạo cảm hứng, động lực cho người học trong những bước tiến quan trọng của cuộc đời.

Đội ngũ nhà giáo mong các chính sách đặc thù sớm được thực hiện để họ có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến, giảng dạy. Ảnh: Hồ Lài
Đội ngũ nhà giáo mong các chính sách đặc thù sớm được thực hiện để họ có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến, giảng dạy. Ảnh: Hồ Lài

Để có thể toàn tâm, toàn ý với cống hiến, giảng dạy..., đội ngũ nhà giáo mong Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện các chính sách đặc thù đối với giáo viên.

Tăng lương giáo viên lên mức cao nhất

Nghề giáo được xã hội động viên quan tâm, đề cao và kính trọng. Điều đó, thể hiện trong nhiều khẩu hiệu, tư tưởng, danh ngôn như “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “nhất tự vi sư bán tự vi sư”, “người chèo đò thầm lặng”, “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”… J.A.Comenxki - nhà giáo dục vĩ đại người Séc cũng từng nói: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng Mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”.

Tuy nhiên, cha ông ta có câu “có thực mới vực được đạo”, nghề giáo hiện nay chịu nhiều áp lực, trọng trách mới trong đó có gánh nặng mưu sinh. Chúng ta không thể cứ mãi dùng mỹ từ để ngợi ca nghề giáo mà không có hành động thiết thực để tri ân các thầy, cô.

Thực hiện chính sách tăng lương giáo viên trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp là hành động trước nhất mà Quốc hội cần thực thi. Nhiều đại biểu Quốc hội phân tích và đề xuất giải pháp cho vấn đề này. Mới nhất là đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng, miền.

Đại biểu này cho rằng, Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu quy định lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Tuy nhiên thực tế 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình. “Nhiều giáo viên phải nghỉ, chuyển, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề”, đại biểu Hà Ánh Phượng nhấn mạnh.

Thực ra, tăng lương giáo viên lên mức cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp không còn là đề xuất mới vì đã đưa vào nghị quyết từ 10 năm trước. Do đó, đây là thời điểm chín muồi để chúng ta thực hiện chính sách trên, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải cách căn bản, toàn diện ở giai đoạn mang tính đột phá lần này.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tập trung vào công cụ, phương tiện hỗ trợ giáo viên

Tôi và một số đồng nghiệp vừa tham gia Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh tại Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (tỉnh Nghệ An). Kết thúc phần thi thực hành, điều đọng lại trong tôi nhiều nhất là hình ảnh học sinh lớp 11A3 thông minh, năng động và sáng tạo. Trong tiết học, tôi sử dụng một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực như thảo luận nhóm, trình bày… Điều bất ngờ, các em làm việc tích cực và chủ động.

Tìm hiểu thêm, tôi biết những vận dụng này học sinh thực hành thường xuyên. Cùng đó, trong lớp học cơ sở vật chất đầy đủ từ ti-vi kết nối mạng (di chuyển bằng con lăn), phương tiện hỗ trợ giáo viên giảng dạy (phấn, thước, nam châm…); cạnh bảng có tủ sách (phong phú từ sách giáo khoa, sách giáo viên, tham khảo…). Chính vì vậy, giáo viên khi lên lớp chỉ cần một chiếc laptop là có tâm thế dạy học tốt.

Từ những điều chứng kiến tại Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, tôi mơ ước, các trường học trên cả nước sẽ có cơ sở vật chất tốt như thế (hoặc tốt hơn) để thầy cô và học trò được dạy và học tích cực, chủ động, sáng tạo. Thực tế, để có tiết dạy tốt (thao giảng, dự thi…), mỗi giáo viên phải tự trang trải tiền bạc để làm đồ dùng học tập, tìm kiếm học liệu.

Vì vậy, thiết nghĩ, nhà trường nên trực tiếp đầu tư, hỗ trợ cho giáo viên ở những khoản này. Mỗi trường học nên có kho học liệu phong phú để giáo viên lựa chọn vận dụng cho từng giờ lên lớp. Các lớp học cần có điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để thầy và trò tiến hành hoạt động dạy học. Đầu tư như thế, vừa thiết thực vừa không lãng phí. Và chắc chắn, sẽ tạo động lực lớn để thầy cô dạy học hiệu quả.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tập huấn giúp giáo viên thay đổi

Công nghệ mở cánh cửa mới cho việc học và tạo ra thay đổi cơ bản trong ngành Giáo dục. Giáo viên không còn là nguồn thông tin độc quyền của học sinh. Người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau trên Internet, học bất kỳ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào. Bởi vậy, giáo viên phải thay đổi nhận thức, phương pháp để có những tiết dạy hấp dẫn. Tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ vai trò giáo viên, mà ngược lại, thầy cô càng có cơ hội khẳng định mình trước nhiệm vụ mới.

Trong Chương trình GDPT 2018, với yêu cầu chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học nên thầy cô có vai trò hướng dẫn học sinh cách học, làm; giúp các em nhận định chất lượng và tính xác thực của nguồn thông tin, biến dữ liệu thành kiến thức cá nhân. Đồng thời, giáo viên cũng tự “làm mới” mình bằng cách tận dụng khoa học công nghệ để mở rộng, cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn và xã hội.

Quá trình giảng dạy, giáo viên là người hướng dẫn, cố vấn và rèn luyện cho học sinh tư duy phản biện, đào sâu và thực hiện hóa ý tưởng. Họ tập trung vào việc tạo ra môi trường học kích thích sự sáng tạo cho học sinh, bước ra khỏi “ranh giới” sách giáo khoa và khuôn mẫu chương trình giảng dạy cũ.

Thay đổi một cách dạy quen thuộc đã khó, thay đổi nhận thức mới về mục tiêu giáo dục còn khó hơn. Do vậy, rất cần Bộ GD&ĐT có nhiều chương trình tập huấn thiết thực giúp giáo viên hiểu rõ căn cốt của đổi mới. Từ đó, tạo hứng khởi, tinh thần lạc quan đến đội ngũ giáo viên để họ quyết tâm thay đổi bản thân vì mục tiêu chung là đổi mới giáo dục.

Nghề giáo là nghề “ươm mầm” tương lai cho đất nước, “kết trái” cho cuộc đời. Một nhà giáo hiện đại sẽ đóng vai trò nhiều hơn ngoài việc giảng dạy. Bởi lẽ, học sinh không chỉ quan tâm đến bài học nơi giảng đường mà còn chú ý theo dõi cuộc sống xung quanh.

Vì vậy, giáo viên không chỉ là người định hướng mà còn là bạn, người thân trong gia đình chia sẻ và dẫn dắt thế hệ trẻ. Một giáo viên tuyệt vời luôn có lòng trắc ẩn, thấu hiểu cuộc sống học sinh, đánh giá cao mục tiêu và thành tích học tập của các em. Hình ảnh người thầy cũng luôn hiện hữu trong tâm thức học trò mỗi khi gặp vấn đề nan giải. Họ sẽ dành thời gian chia sẻ, động viên và nhen nhóm lại giấc mơ mãnh liệt trong mỗi người.

Gần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong bối cảnh Quốc hội bàn nhiều về ngành, trong đó có lương nhà giáo, bất cập tuyển dụng, đầu tư. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh bạo lực học đường, lạm thu, thực phẩm bẩn tấn công bữa ăn bán trú… Là nhà giáo, tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở với nghề. Nhưng tôi tin, nếu giải quyết tốt những chính sách ưu đãi cho nhà giáo thì nhiều gốc rễ của vấn đề sẽ được giải quyết. Đội ngũ giáo viên sẽ yên tâm cống hiến. Đặc biệt, trong các kỳ họp Quốc hội, chúng ta không còn phải nghe đến những kiến nghị về tiền lương, thiếu giáo viên… Và trên mạng xã hội, kỷ niệm nhà giáo Việt Nam chỉ còn những hình ảnh, lời chúc mừng tốt đẹp nhất gửi đến thầy cô…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.