Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long - danh hiệu Viên phấn vàng đã được phát động từ năm học 1993 -1994 nhằm vinh danh những cá nhân tiêu biểu, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực các phong trào, luôn luôn đổi mới trong dạy và học, được sự tín nhiệm của đồng nghiệp.
Ý nghĩa sâu xa của danh hiệu này còn là món quà để tôn vinh cốt cách cao đẹp của nhà giáo, nâng cao giá trị của tinh thần vượt khó và sự cống hiến, là điểm tựa và niềm tin để động viên thầy cô gắn bó với nghề, trụ lại trong gian khó và vươn lên trong thiếu thốn.
“25 năm qua, danh hiệu này được duy trì, thay đổi tiêu chí phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu giáo dục trong từng giai đoạn để chọn những cá nhân tiêu biểu nhất. Đến nay, ngành đã có trên 550 Viên phấn vàng; trong đó 150 giáo viên đã về hưu, 7 giáo viên chuyển công tác và định cư ở nước ngoài sau khi nghỉ hưu.
Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh trao quà cho giáo viên đạt danh hiệu "Viên phấn vàng". |
Trong số hơn 500 Viên phấn vàng đã có 36 giáo viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều giáo viên được tín nhiệm bổ nhiệm giữa các chức vụ lãnh đạo đơn vị. Đối với tập thể, đây là vinh dự vì danh hiệu là một phần kết quả của sự đoàn kết, hỗ trợ, động viên từ lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp. Với ngành đây là những điểm sáng vì thầy cô là trụ cột quan trọng, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ; tiêu biểu về phẩm chất đạo đức; là tấm gương sống động về nhân cách nhà giáo trong việc bồi dưỡng đội ngũ kế cận” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.
Những đóng góp đó của mỗi cá nhân đã góp phần làm nên thành công của giáo dục Vĩnh Long trong một chặng đường dài. Đặc biệt, vượt khỏi phạm vi của tỉnh, ý nghĩ việc xét chọn danh hiệu Viên phấn vàng còn lan tỏa đến các tỉnh bạn. Nhiều Sở GD&ĐT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đến học tập về cách làm rất riêng này của Vĩnh Long để nhân rộng. Ban Thi đua khen thưởng Trung ương cũng đã đánh giá cao ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Long trong việc khích lệ đội ngũ, làm nền tảng cho việc xét khen thưởng, vinh danh cấp Nhà nước.
Tại buổi họp mặt, ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Trong thời đại nền kinh tế tri thức hiện nay, xã hội đòi hỏi ngành Giáo dục đào tạo ra những người lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giáo dục phải không ngừng tự đổi mới để tiếp tục phát triển. Trong đó, lực lượng quyết định sự thành công của đổi mới chính là đội ngũ nhà giáo nói chung và hơn 500 thầy giáo, cô giáo đạt danh hiệu Viên phấn vàng đã và đang công tác trong ngành Giáo dục.
Chụp ảnh lưu niệm với các thầy cô đạt danh hiệu "Viên phấn vàng" nhiều thời kỳ. |
Với yêu cầu đó, ông Trần Văn Rón mong muốn các thầy cô giáo không ngừng nâng cao nhận thức, tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT; đổi mới phương pháp giảng dạy; đa dạng hóa các hình thức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống; tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của học sinh. Mỗi thầy giáo, cô giáo không ngừng trao dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, xứng đáng là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.
Ông Trần Văn Rón cũng yêu cầu, trên cơ sở tư duy đổi mới về giáo dục, lãnh đạo ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng.
Đồng thời, chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhà giáo đáp ứng các yêu cầu đổi mới căn bản từ nội dung, phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động bình xét danh hiệu Viên phấn vàng, cũng như không ngừng nghiên cứu, tổ chức các hoạt động, các phong trào thi đua thiết thực, ý nghĩa...