Những bí mật phía sau giọng hát phi giới tính

GD&TĐ - Khi cất tiếng hát, nếu không nhìn chính diện thì không ai biết đó là giọng hát của chàng trai trẻ 21 tuổi. Điều khác biệt ở chàng ca sĩ này là không chỉ rất nam tính, hát giọng rất dày và lãng mạn mà anh còn hát giọng nữ cao nhất trong lịch sử “nam hát giọng nữ” của giới ca sĩ từ trước tới nay, và chưa có ca sĩ nào “vượt” được, kể cả những ca sĩ nam hát giọng nữ làm khán giả nổi da gà như Khánh Bình, Lê Cường.

Ca sĩ trẻ Tùng Anh
Ca sĩ trẻ Tùng Anh

Khán giả khóc vì xúc động

Hơn một năm về trước, nhiều khán giả truyền hình rưng rưng xúc động khi nghe ca khúc “Cô gái vót chông” trong chương trình Tuyệt đỉnh song ca (mùa 3 tập 2) phát sóng trên Đài truyền hình Vĩnh Long. Khán giả rơi nước mắt không phải bài hát xúc động, hay khả năng diễn xuất của ca sĩ, mà xúc động bởi chất giọng đặc biệt hát nữ cao (Male soprano) của anh. Đó là Trần Tùng Anh, 21 tuổi - chàng trai quê ở huyện miền núi Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Buổi tối hôm ấy, tất cả các thí sinh thi trước anh hầu như không đem lại ấn tượng đặc biệt cho ba đội huấn luyện viên, thì bỗng nhiên một giọng nữ đầy nội lực vút cao, ngân nga sau tấm màn bí ẩn. Ngay sau câu hát đầu tiên vút cao “Như bao cô gái ở trên non”, nữ ca sĩ Cẩm Ly đã hát theo và làm động tác vui tươi theo lời hát. Và chỉ sau đó chưa đầy 5 nốt nhạc khi giọng nữ chuyển thành giọng nam trầm đặc “Ai nhanh tay vót bằng tay em”, ca sĩ Quang Lê đã quyết định “gạt cần” thán phục. Và cũng sau vài tích tắc, hai ca sĩ họ Đàm và Dương Triệu Vũ đã quyết định “bẻ cần” và bấm “nút phong tỏa” khi tấm màn bí mật hé mở - chàng trai trẻ lịch lãm quay lưng lại, bước ra. Để rồi, kết thúc bài hát, tất cả 6 huấn luyện viên của ba đội đều “bẻ cần” mời gọi Tùng Anh về đội của mình.

Đoạn, Tùng Anh hát “Chim hót không hay bằng tiếng hát em” bằng chất giọng nữ cao đặc biệt, Đàm Vĩnh Hưng đã “nổi da gà”, anh đưa tay lên má lắng nghe, thẩm thấu nuốt từng lời “chim hót”. Ca sĩ họ Đàm khẳng định rằng “đó là giọng hát thiên tài”.

 Để khẳng định thêm lần nữa, ca sĩ Thu Minh đã chạy lên gần Tùng Anh để “hát đọ” như một sự thách đố. Nhưng rồi, Thu Minh cũng hoàn toàn tâm phục khẩu phục bởi “kỹ thuật đỉnh” cao giọng của Tùng Anh.

Sau khi Tùng Anh về đội của nữ ca sĩ Thu Minh và trở thành “hiện tượng đặc biệt” trong làng ca sĩ “nam hát giọng nữ”, có rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hoài nghi. Ai cũng nghĩ tưởng rằng, nam hát giọng nữ cao thì giọng nam sẽ bị lép, tức là giọng nam sẽ “the thé”, hoặc “mỏng” theo qui luật “trội nữ, lặn nam”, nhưng không, Tùng Anh hát giọng nam rất dày, đặc và rất nam tính. Có người còn nghi ngờ giới tính của Tùng Anh, vì cho rằng, không thể có một chàng trai thực thụ đầy chất man lại hát được giọng nữ đặc biệt. Tùng Anh trở thành bí ẩn ngay sau cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca từ đấy.

Ca sĩ Cẩm Ly thả tim cho Trần Tùng Anh
 Ca sĩ Cẩm Ly thả tim cho Trần Tùng Anh

Giọng ca đặc biệt từ miệt vườn gian khó

Tùng Anh tên thật là Trần Tùng Anh, sinh ra và lớn lên tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - một tỉnh ở miền núi thâm canh rừng rú. Nhà có 7 anh chị, nhưng mỗi Tùng Anh hát hay, và có giọng ca đặc biệt.

Hỏi về giọng ca thiên phú của mình, Tùng Anh chia sẻ, từ nhỏ, anh đã thích hát. Anh cũng không hiểu năng khiếu bẩm sinh là gì. Hồi học cấp ba, sau buổi trưa đi học về, nằm võng trưa hè, bỗng Tùng Anh nghe bài hát “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son từ nhà bên, vậy là tập hát theo. Ai ngờ, anh lên giọng được cả những nốt cao. “Lúc đó tôi có cảm giác rất ngạc nhiên về giọng hát của mình. Biết tôi hát hay, trong làng nhiều người nói sau sẽ thành ca sĩ và khuyên tôi đi học thanh nhạc. Mọi việc đến rất tự nhiên, tình cờ”, Tùng Anh hồi tưởng lại.

Trước khi thành sinh viên tại Học viện âm nhạc Việt Nam khoa thanh nhạc Opera, Tùng Anh đã từng làm công nhân, làm thuê bươn chải kiếm sống. Gia đình nghèo khó lại đông con, bố mẹ Tùng Anh làm lụng vất vả quần quật quanh năm nhưng cũng chỉ đủ nuôi “9 tàu há mồm”.

Từ một chàng trai quê nghèo vùng sơn cước, Tùng Anh đã trở thành một ngôi sao đặc biệt nữ hát giọng nam chưa có tiền lệ trong lịch sử làng ca sĩ Việt Nam. Chia sẻ về sự trưởng thành của mình, Tùng Anh khiêm tốn giãi bày: “Có lẽ chính mảnh đất nghèo khó, những ngày đói khổ đã nuôi dưỡng trong tôi giọng ca thiên phú. Dù có trở thành ca sĩ nổi tiếng hay thế nào đi nữa, quê hương, ruộng vườn vẫn là điểm tựa tinh thần bền vững nhất trong tôi. Ở đó có bố, mẹ và anh chị. Họ là những người chắp cánh cho tôi bay cao, bay xa để đạt được ước mơ của mình”.

Chia sẻ về những trở ngại khi bỗng dưng “trai hát giọng gái”, Tùng Anh cho biết, thời gian đầu đi hát, anh cũng bị nhiều người trêu chọc. Có người gọi “thẳng thừng” diễu cợt: “Nó là thằng pê đê đấy”, và bao chuyện phiền toái khác. “Lúc đó tôi cảm giác tủi thân, nhưng chợt nghĩ, khán giả yêu thương mình mới là quan trọng. Hát là lao động nghệ thuật, đổ mồ hôi và nhiều nhọc nhằn, thì dù ai nói sao cũng bình thường thôi, miễn là tôi được hát, được cống hiến cho khán giả, sống cùng khán giả. Được hát là hơi thở, là nhựa sống hằng ngày của tôi thì dù ai đàm tiếu, nói gì cũng không quan trọng”, Tùng An chia sẻ.

Nói về nghệ thuật, đẳng cấp nam hát giọng nữ, Tùng Anh cho rằng, nam giới hát giọng nữ là một loại giọng khá đặc biệt. “Các thầy giáo nói tôi đạt được giọng nữ Male soprano, tức là đàn ông hát được giọng nữ đặc biệt. Nói cách khác là tôi có chất giọng phản nam cao (Counter tenor). Trên thế giới, người hát được giọng này một cách đặc nữ không nhiều. Còn hát kiểu nhái thì nhiều”, Tùng Anh, nói.

Từ một chàng trai quê nghèo khó, sau nhiều vòng “tôi luyện” cùng với niềm đam mê ca hát thấm sâu vào da thịt, Tùng Anh đã trở thành ca sĩ đặc biệt “nam hát giọng nữ” hay nhất trong lịch sử âm nhạc từ trước đến nay. Con đường và sự nghiệp của chàng trai trẻ này đang rộng mở, và chắc chắn, những gì Tùng Anh đã, đang và sẽ cống hiến, sẽ luôn là hơi thở khác lạ, làn gió âm nhạc mới mẻ, cống hiến phục vụ khán giả; đồng thời góp phần làm phong phú, đa sắc nền âm nhạc nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.