Trẻ yêu sớm, đừng mang tư duy cũ, giáo điều ra dạy dỗ

GD&TĐ - Học sinh có xu hướng yêu sớm và yêu theo trào lưu. Dù không phải là điều mới mẻ nhưng còn nhiều bố mẹ luống cuống, bị động, không tìm ra cách giáo dục, uốn nắn hay đồng hành cùng con.

Tình yêu học sinh - mối lo của gia đình và xã hội. Ảnh: IT
Tình yêu học sinh - mối lo của gia đình và xã hội. Ảnh: IT

Giật mình tình yêu học sinh

Chị Nguyễn Thị Quỳnh – phụ huynh học sinh Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: Con gái tôi cho biết trong lớp có 2 bạn yêu nhau. Điều đáng nói, 2 bạn yêu công khai, thể hiện tình cảm (ôm, hôn, cầm tay…) trước mặt bạn bè trong lớp khiến nhiều HS cảm giác ngại ngùng khi bất đắc dĩ chứng kiến. Vì vậy, giờ ra chơi, 2 bạn đó ở trong lớp, những HS khác “né” chỗ khác để khỏi phải chứng kiến hành động thái quá...

Nguyễn Minh Khang – lớp 10 Trường Marie Curie (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cậu bạn thân cùng lớp của mình đã trải qua vài mối tình từ năm lớp 7. Mỗi mối tình kéo dài vài tháng, lâu nhất được 5 tháng. Đến nay, cậu bạn thân tiếp tục có người yêu và bạn gái hơn 2 tuổi bởi cậu theo trào lưu “lái máy bay”. Về phía bản thân mình, Khang cho biết, lớp 9 từng yêu 1 bạn nữ cùng lớp trong vòng 2 tháng. “Hiện giờ em không có người yêu, nhưng có thể em sẽ thử yêu theo trào lưu vì nghe nói bạn gái hơn tuổi sẽ bớt trẻ con, và không đòi hỏi, không xét nét quá nhiều về thời gian, quà tặng…” – Khang nói. 

Trên các diễn đàn làm cha mẹ, nhiều phụ huynh than thở con học lớp 2 đã dậy thì và biết yêu. Tình trạng trẻ lớp 5, lớp 6 trước khi đi học không quên ngắm nghía lại trang phục, đầu tóc, xin tiền bố mẹ để mua hoa tặng bạn gái ngày sinh nhật, Valentine, 8/3… phổ biến. Nhiều HS lứa tuổi THCS ban đầu từ trò chuyện qua Facebook nhưng dần thấy hợp nên quyết định yêu thử. Tình yêu “trẻ trâu” thường thể hiện qua nắm tay, khoác vai rồi tiến đến ôm eo, hôn… Thậm chí cũng không loại trừ cả quan hệ tình dục. 

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Từng có HS nữ lớp 5 cao lớn phổng phao (1,6m), sống cùng ông bà nội vì bố mẹ ở nước ngoài. Coi cô giáo như mẹ, đã từng tâm sự: “Cô ơi em không thể tập trung vào học. Lúc nào em cũng nhớ bạn ấy (bạn trai khác lớp), chỉ muốn đến trường để gặp bạn ấy. Em thấy buồn khi bạn ấy hay đi chơi cùng bạn gái khác trong lớp… Em phải làm gì để không yêu và nhớ bạn ấy?”.  

Thậm chí dù mới ở bậc THCS, có em đã trải qua vài mối tình. Trẻ truyền nhau các bước tán bạn gái, học cách tán ở đâu? Nhiều HS yêu theo trào lưu, yêu cùng trường, lớp để dễ trốn học, bỏ tiết đi chơi riêng…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiểu biết để giáo dục hiệu quả

Nói về tình trạng yêu sớm, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cho rằng: Quá trình dậy thì của trẻ hiện nay sớm hơn rất nhiều so với thế hệ trước. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dinh dưỡng đầy đủ, được chăm sóc kĩ… dẫn tới nội tiết tố, dậy thì phát triển sớm. Cùng đó, văn hóa xã hội, phim ảnh khá tràn lan trên phương tiện thông tin giải trí khiến trẻ được xem những cảnh âu yếm của người lớn dễ dàng và có xu hướng bắt chước, làm theo (đặc biệt khi đó là thần tượng của trẻ). Khi trẻ bị tác động cả về mặt tâm lý và sinh lý, yêu sớm là điều tất yếu. 

Hệ lụy khi trẻ bước vào yêu sớm nhưng không được trang bị kiến thức, kĩ năng bảo vệ mình đúng cách như: Cảm xúc không được kiểm soát, hành vi, hành động không phù hợp lứa tuổi. Đặc biệt quan hệ tình dục sớm dẫn tới ảnh hưởng về tâm sinh lý, sức khỏe kéo dài. Vừa học vừa yêu cũng khiến trẻ bị phân tán tư tưởng và nhận về kết quả không tốt trong hiện tại và tác động đến con đường học tập trong tương lai. 

Vấn đề yêu theo xu hướng, TS Vũ Việt Anh cho hay: Tình yêu không phân biệt lứa tuổi nào nhưng yêu người lớn tuổi hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng lạm dụng tình dục với cả trẻ em nam và nữ. Trẻ yêu sớm và yêu người lớn tuổi thường chưa hiểu và không có kĩ năng để tránh bị lạm dụng tình dục. 

Để cha mẹ hiểu, đồng hành và giáo dục hiệu quả với trẻ yêu sớm, TS Vũ Việt Anh đưa ra lời khuyên: Trước hết, bố mẹ cần bình tĩnh và hiểu rằng những biểu hiện hành động diễn ra đều xuất phát từ tư duy trong quá khứ. Như vậy muốn thay đổi điều chỉnh được cần phải sửa đổi lại tư duy hành động của trẻ chứ không thể thay đổi tức thì hoặc bằng các giải pháp bạo lực như đe nẹt, cấm đoán, đánh đập… Điều đó càng tạo ra hố sâu ngăn cách giữa trẻ và cha mẹ. Trẻ sẽ không chia sẻ, tâm sự cùng bố mẹ những thắc mắc thầm kín dẫn tới nguy hiểm, nguy cơ “lầm đường lạc lối”. 

TS Vũ Việt Anh lưu ý: Đôi khi trẻ yêu sớm chỉ là cảm xúc, xu hướng nhất thời, trào lưu… chứ không phải là vấn đề sâu xa. Vì vậy để giáo dục, đồng hành cùng trẻ, bố mẹ hãy gần gũi và tìm cách tiếp cận con; hướng dẫn cho con về giới tính, tình dục an toàn càng sớm càng tốt.

Cha mẹ hãy chuyển mối quan tâm này sang mối quan tâm khác bằng cách cho con vui chơi hoạt động giải trí, thể thao, có thời gian bên con, dần dần tách con khỏi nhóm bạn không tốt, tạo cho con những môi trường sinh hoạt vui chơi mới lành mạnh…

Để đồng hành, hiểu con và giáo dục con dù ở bất kỳ vấn đề, lĩnh vực nào, cha mẹ đều phải học. Không thể mang tư duy cũ để giáo dục trẻ thời đại mới. Không thể dùng vai trò làm cha mẹ để áp đặt con. Muốn làm bạn và giáo dục con nhất định phải có kiến thức, kĩ năng và học cách làm cha mẹ. Nuông chiều hay buông lỏng, không dành thời gian, công sức thì không thể có kết quả tốt trong giáo dục trẻ. - TS Vũ Việt Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.