Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhi 15 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, phản xạ tiếp xúc chậm, chóng mặt, nôn nhiều… Người nhà cho biết, trước đó, trẻ ngã đập đầu xuống nền nhà từ xe ba bánh.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh trẻ bị tụ máu rộng. Các bác sĩ đã mổ cấp cứu lấy máu tụ nội sọ cho trẻ. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe trẻ ổn định và vừa được ra viện.
Theo BSCKII Trịnh Trương Tuyên - Trưởng khoa Ngoại - Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi, nhiều nghiên cứu được công bố hiện nay trên thế giới cho thấy, xe tập đi có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích cho trẻ hơn.
Trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng đến xương do tư thế của xe, hoặc có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm nếu cha mẹ không giám sát liên tục. Nguyên nhân là xe tập đi thường khó kiểm soát được tốc độ. Trẻ thường đẩy xe lao đi với tốc độ cao. Khi gặp vật cản hoặc sự thay đổi độ cao của nền nhà sẽ dễ dàng dẫn đến lật xe, gây tai nạn thương tích.
Hiện nay, trên thế giới, có nhiều nước đã cấm hoặc vận động người dân không nên sử dụng xe tròn tập đi vì nhận thức được mối nguy hiểm của nó. Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm việc buôn bán, quảng cáo và nhập xe tập đi cho trẻ em.
Các bác sĩ khuyến cáo, không nên cho bé dùng xe tập đi quá nhiều. Thay vào dó, hãy để trẻ phát triển hoàn toàn tự nhiên hoặc cha mẹ có thể hỗ trợ con một cách khoa học.
Khi cho trẻ dùng xe tập đi, cha mẹ cần lưu ý dẹp tất cả các vật nguy hiểm mà bé có thể với tới được như dao, kéo, vật dễ vỡ, nước nóng, ổ điện… Kiểm tra đầy đủ các chi tiết của xe tập đi trước khi mua để đảm bảo an toàn cho trẻ. Luôn làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi lắp ráp và sử dụng.
Khi đặt bé vào xe tập đi, hãy đảm bảo rằng có một người lớn luôn bên cạnh và để mắt đến bé. Sử dụng những khung sắt hoặc vật nặng chắn tại các khu vực cửa, bậc thang và cầu thang.
Đồng thời, lưu ý chọn loại xe có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, thiết kế chắc chắn, không có góc sắc nhọn và không để con dùng xe quá 15 phút mỗi lần.