Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi N.H.A. (14 tuổi, trú tại TP Vinh) bị nhiễm trùng nặng sau khi điều trị bỏng cồn bằng thuốc nam.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị bỏng vùng ngực, bụng, đùi 2 bên nền đen, khô, sờ cứng, các vết nứt rỉ dịch, xung quanh sưng nề nhiều. Theo lời kể của gia đình, cách đây 1 tháng, trẻ bị bỏng cồn. Gia đình đưa trẻ tới điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Sau 3 ngày, gia đình đưa trẻ về nhà và điều trị bằng thuốc nam. Tuy nhiên, sau 26 ngày điều trị, bệnh nhi ngày càng đau hơn, vết bỏng chảy dịch nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.
Tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, qua thăm khám, vết thương của bệnh nhi đã nhiễm khuẩn, hoại tử nhiều mủ và được chẩn đoán bỏng cồn 20% độ II - III vùng ngực, bụng, đùi 2 bên, cẳng bàn tay trên nền tổn thương có màng thuốc thầy lang đắp đang bám, nhiều dịch và giả mạc.
Bệnh nhi được sát khuẩn, điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch và nâng cao thể trạng. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt lọc những phần bị hoại tử, chờ tổ chức hết nhiễm khuẩn, tổ chức hạt mọc sẽ tiến hành ghép da tự thân.
Theo TS.BS Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị gần 70 trường hợp bệnh nhi bị bỏng. Một số trẻ nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do xử lý sai cách, phản khoa học.
Dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng người dân bị bỏng vẫn không đến cơ sở y tế mà tự ý điều trị tại nhà. Thậm chí, nhiều trường hợp nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn, gây thêm nguy hiểm cho trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng, người dân không nên thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng đã bị tổn thương nghiêm trọng vì dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt, người dân không nên tự ý dùng thuốc nam để điều trị bỏng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.