Trẻ thiệt thòi vì bà nội, bà ngoại “hơn thua” nhau

Từ trước đến nay, việc một đứa trẻ sinh ra được ông bà nội ngoại chăm sóc giống như một đặc ân, bởi không phải đứa trẻ nào cũng có may mắn ấy. Tuy nhiên trẻ chỉ thực sự may mắn khi mối quan hệ của người lớn thật sự tốt đẹp.

Trẻ thiệt thòi vì bà nội, bà ngoại “hơn thua” nhau

Khi bà nội, bà ngoại “hơn thua”

Hôm ấy, đứng ngoài phòng cấp cứu hồi sức của bệnh viện Nhi, chị Phương, phụ huynh của cháu Mỹ Anh 2 tuổi khóc ròng. Sau khi được bác sỹ thông báo con đã qua cơn nguy kịch, chị Phương mới “hoàn hồn”.

Chị Phương cho biết, con ra nông nỗi này cũng chỉ tại bà nội, bà ngoại quyết “hơn thua” nhau để thể hiện khả năng và kinh nghiệm… chăm cháu.

Bé Mỹ Anh khi mới sinh ra đã được bà ngoại chăm sóc. Bà nội tuy thương yêu cháu nhưng lại ở ngoại thành nên thỉnh thoảng mới lên ở chung  một hai tuần để được gần cháu.

Bình thường thì mối quan hệ thông gia giữa “bà nội bà ngoại” rất hòa hữu thế nhưng cứ ở gần nhau được vài ngày là thế nào cũng có chuyện. Mà mọi chuyện đều xuất phát từ việc chăm sóc cháu.

tre-thiet-thoi-vi-xung-dot-giua-ba-noi-ba-ngoai-giadinhvietnam.com 1

Mối quan hệ ông bà nội ngoại tốt đẹp trẻ cũng được vui vẻ (Ảnh minh họa)

Bà ngoại vốn ở cạnh cháu từ bé, mọi việc chăm sóc đều do tự tay bà làm. Khi chị Phương hết kỳ nghỉ sinh đi làm trở lại, bà chăm bé từ khi tấm bé từ việc tắm giặt, cho ăn, bế ẵm, đi ngủ...

Bé Mỹ Anh cứ thế lớn lên và khỏe mạnh, ít ốm đau, lại hay ăn nên bà ngoại vô cùng tự hào về khả năng chăm sóc cháu của mình. Thế nhưng mỗi lần bà nội lên thăm cháu lại làm theo một cách khác mà bà ngoại cho rằng nó hơi thiếu khoa học, chưa đúng với sở thích của cháu và có phần hơi… nhà quê.

Mỗi lần Mỹ Anh bị ốm, bà nội rất sốt ruột vội từ quê phóng lên Hà Nội để thăm và chăm sóc cháu.  Bà ngoại thì cứ thấy cháu ốm là mang đến bệnh viện khám.

Mỗi lần phải chích máu xét nghiệm là bà nội lại kêu trời, cho rằng bà ngoại quá lạm dụng bệnh viện, cần phải chữa bằng phương pháp cổ truyền trước khi “vác” cháu đến bệnh viện. Hai bà không ai chịu ai, luôn ra sức bảo vệ chính kiến của mình và dường như ai cũng có phần đúng.

Điển hình là đợt vừa rồi, Mỹ Anh bị đi ngoài, đưa đi viện khám và uống thuốc tây y đến chục ngày mà không khỏi. Bà nội sốt ruột liền từ quê mang lên vô số những loại lá và chế theo phương pháp cổ truyền để cho cháu uống, đảm bảo sẽ khỏi.

Mỗi người một ý trong khi con thì chưa thuyên giảm, chị Phương cũng rất sốt ruột. Chị thì theo ý mẹ đẻ nhiều hơn là con ốm thì phải đi bác sỹ khám chứ không tự tiện cho uống thuốc, nhưng cũng rất khó xử khi mẹ chồng nằng nặc đòi chữa bằng phương pháp cổ truyền và cũng không phải là không có lý. Chị đành chiều theo ý mẹ chồng với điều kiện nếu 2 ngày uống thuốc lá mà không khỏi thì sẽ đưa con đi khám lại.

Vậy mà mới có một ngày chị đi làm về, con đã ở trong trong tình trạng nguy kịch. Lý do bà nội thì cho cháu uống thuốc đông y cổ truyền, bà ngoại thì lén ra hiệu thuốc mua thuốc không theo đơn về cho cháu uống tiếp với suy nghĩ thể hiện cho bà nội biết rõ “quan điểm” về việc nuôi dạy cháu của mình bao giờ cũng hơn bà nội. Kết quả là Mỹ An đi ngoài ra máu và mệt lả trong trạng thái mất sức phải đưa vào viện cấp cứu.

Chị Phương cho biết đây không phải lần đầu bà nội, bà ngoại “hơn thua” trong cách chăm sóc cháu. Còn rất nhiều vấn đề khác mà chị luôn phải đau đầu đứng ra giải quyết.

Chăm sóc cháu luôn là niềm hạnh phúc xuất phát từ trái tim của người làm ông bà, nhưng đôi khi những xung đột xuất phát giữa hai người già bởi lòng tự tôn “kinh nghiệm” của bản thân một cách cố chấp lại khiến cho các giá trị của tình yêu thương bị biến thành một “cuộc chiến”.

Biến cháu thành “mũi tên”

Trường hợp của bà Hoa, bà Nhàn  thì lại khiến con cái vô cùng bất an vì lo sợ bà nội, bà ngoại dùng cháu để làm “mũi tên” giải quyết mâu thuẫn.

Trước đây khi con dâu và con rể đến với nhau đã không được sự đồng thuận của bên nhà trai, chính vì thế mà hai bà chưa bao giờ bằng mặt với nhau. Thậm chí chỉ cần nhắc đến tên nhau là đã thấy khó chịu.

Thế nhưng khi những đứa cháu ra đời, họ đã chiếu cố gọi điện cho nhau chỉ để hỏi thăm cháu. Khi các cháu còn bé, lần lượt bà nội bà ngoại mỗi người lên chăm một hai tháng cho đến khi chúng đi học cấp 1. Tưởng chừng như vì những đứa cháu thì “cuộc chiến” của hai bên ông bà sẽ được giảng hòa, nhưng nó vẫn cứ  ngấm ngầm tiếp diễn.

Mỗi lần lên ở với cháu, bà nội lại nói xấu bà ngoại và ngược lại. Những đứa trẻ chỉ biết nghe nhưng càng lớn lên ấn tượng của chúng về bà nội bà ngoại lại càng xấu đi. Đôi khi chúng hoang mang chẳng biết đâu là “người tốt”. Có lần bé Khánh My bảo mẹ: “Mẹ ơi, con không thích bà nội, bà nội ngày xưa .. ác lắm, không cho bố với mẹ lấy nhau”.

Cũng có lần bà ngoại lên chơi, Khánh My không những không chào mà chạy thẳng một mạch vào nhà, khi được tra hỏi thì bé bảo: “Bà nội bảo là bà ngoại bị bệnh truyền nhiễm do ở bẩn, con sợ bà ôm lắm”. Chẳng biết hai bà đã tiêm vào đầu óc những đứa trẻ cái gì nhưng rõ ràng đôi lúc chúng rất hoang mang.

Không biết cuộc chiến của bà nội bà ngoại bao giờ mới kết thúc, nhưng nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, không thể đảm bảo rằng mối quan hệ tình cảmtốt đẹp giữa ông bà và cháu sẽ trở nên méo mó với những hình ảnh “xấu xí”  mà chúng được nghe. Liệu khi lớn lên chúng có còn muốn gần gũi ông bà?.

Cháu bà nội, tội bà ngoại

Quả thật rất đúng trong trường hợp này. Chị Hiền mặc dù sống chung với bố mẹ chồng nhưng ông bà ban ngày mải mê với công việc bán nước chè đầu ngõ nên không trông được cháu, mỗi sáng đi làm chị thường phải ôm con sang nhà mẹ đẻ cách đó hai trăm mét để gửi, tối mới đón về.

Như vậy là ông bà ngoại trông cháu ban ngày, ông bà nội chơi hoặc trông cháu buổi tối. Thế nhưng cứ mỗi lần cu Bin không nghe lời là bà nội lại kêu là tại bà ngoại nên cháu mới “hư” như thế.

Không ăn cũng là do bà ngoại chiều, không ngủ của là do bà ngoại cho ngủ không đúng giờ tạo nên thói quen xấu, nghịch ngợm cũng là do bà ngoại cưng chiều cháu khiến thằng bé “tăng động”… nói tóm lại, mọi thứ mà thằng bé không làm đúng ý bà nội thì đều là… tội của bà ngoại.

tre-thiet-thoi-vi-xung-dot-giua-ba-noi-ba-ngoai-giadinhvietnam.com 2

Ảnh minh họa

Đã mấy lần bà ngoại nghe được việc bà nội kể tội mình nên tự ái nhất quyết không trông cháu, nhưng được vài bữa thấy con gái vất vả lại thương tình nhận trông. Thế nhưng đã lâu lắm rồi bà ngoại không thèm sang chơi bởi không muốn nhìn mặt thông gia.

Vì thế, nếu có bà nội thì không có bà ngoại và ngược lại. Tết đến, cu Bin chẳng bao giờ được đi chơi với cả bà nội, bà ngoại. Còn vợ chồng chị Hiền thì đã làm hết cách mà không thể cải thiện được mối quan hệ giữa hai bên.

Những đứa cháu luôn là tác nhân làm cho ông bà nội ngoại gần gũi nhau hơn, thế nhưng đôi khi những cái tôi quá lớn của người già lại khiến cho những đứa trẻ thiệt thòi.

Theo giadinhvietnam.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ