Từ lâu, theo quan niệm của nhiều người, hột vịt lộn được xem là một món ăn bổ dưỡng nên vẫn được sử dụng như một cách bổ sung dinh dưỡng cho nhiều đối tượng.
Chị Nguyễn Thị Kim Vân (36 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cho biết mẹ chồng cũng như chồng chị vẫn thường mua và ép chị ăn trứng lộn ít nhất 4 quả/ tuần trong nhiều tháng của thai kỳ.
“Cả 2 lần tôi mang thai thì đều phải ăn trứng lộn. Mẹ chồng và chồng tôi quan niệm đây là món ăn nhiều dinh dưỡng, sẽ tốt cho sự phát triển của bé trong bụng mẹ”, chị Vân thuật lại.
Nhiều người cho rằng trứng vịt lộn là món ăn dinh dưỡng nên có thể ăn vô tội vạ.
Cùng quan điểm với gia đình chị Vân, nhiều bà mẹ cũng chọn trứng vịt lộn làm món ăn nhằm mục đích bổ sung dinh dưỡng cho con. Chị Nguyễn Thị Thủy (34 tuổi, ở Thủ Đức) cho biết hầu như mỗi tuần bé Ti (4 tuổi, con chị Thủy) đều ăn trứng lộn.
“Ít thì 2 quả, nhiều thì 4-5 quả. Bé nhà tôi khá thích món ăn này, tôi thì nghe nói trứng vịt khó tiêu nên hạn chế không cho bé ăn buổi tối mà ăn vào lúc chiều. Đây là một món ăn bổ dưỡng nên tôi nghĩ ăn với số lượng đó cũng là hợp lý”, chị Thủy nói.
Trứng vịt lộn và trứng gà, vịt, loại nào tốt hơn?
Theo BS Nguyễn Tiến Châu (chuyên gia dinh dưỡng) trong bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2007 thì trong trứng chứa protein, lipit, gluxit, các chất sắt, canxi, phốt pho, be-ta caroten, vitamin A, B1,B2, PP,… (riêng trong trứng lộn còn có thêm vitamin C) cần thiết cho cơ thể.
“Nếu so sánh thành phần dinh dưỡng trong 100g (trứng gà, vịt và vịt lộn) thì trong trứng vịt lộn có hàm lượng sắt, canxi, phốt pho, beta-caroten, vitamin A, PP cao hơn hẳn trứng gà, và trứng vịt thường.
Ví dụ vitamin A trong trứng gà là 700mcg, trứng vịt thường là 360mcg, vịt lộn là 875mcg; canxi trong trứng gà là 55mg, trứng vịt thường là 71mg, vịt lộn là 82mg”, bác sĩ Châu liệt kê.
Nhưng theo bác sĩ này, bên cạnh hàm lượng dinh dưỡng thì lượng choresterol trong trứng vịt lộn cũng gấp từ 2-3 lần so với với trứng vịt hay trứng gà thông thường.
Điểm khác biệt trong trứng gà và trứng vịt là sẽ có lượng lecithin cao hơn để trung hoà, kiểm soát lại lượng choresterol hấp thu.
Trẻ nhỏ có nên ăn trứng vịt lộn?
Choresterol có vai trò như là nguyên liệu để tổng hợp ra hormone giới tính nam nữ, hay cấu thành màng tế bào… nhưng quá dư thừa trong khẩu phần ăn sẽ dẫn tới các vấn đề rối loạn tiêu hoá, khó tiêu vì hệ tiêu hoá của trẻ chưa phát triển hoàn thiện đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi.
Với các trẻ béo phì hay có khẩu phần ăn dư thừa lượng năng lượng choresterol lâu dài sẽ gây ra tình trạng thiếu vitamin D3 ở trẻ và kể cả ở người lớn.
Riêng ở trẻ việc thiếu lượng vitamin và khoáng chất do ảnh hưởng của việc dinh dưỡng sai lệch sẽ khiến trẻ chậm phát triển không chỉ ở xương mà còn các quá trình tổng hợp các enzyme trong cơ thể và tham gia tạo ra những hormone quan trọng.
Bảng dinh dưỡng trong trứng vịt lộn Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2007.
“Như vậy đối với trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn, thay vào đó nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ bằng việc ăn đa dạng các loại thực phẩm khác có lợi hơn trong đó có trứng gà, trứng vịt. Với trẻ trên 5 tuổi có thể ăn từ ½ -1 quả trứng vịt lộn mỗi tuần”, chuyên gia này phân tích.
Đặc biệt đối với những người bị đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu, tim mạch, gút,… nên kiêng hoặc hạn chế ăn nhiều trứng vịt lộn hay các món ăn chiên xào, tránh tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Phụ nữ có thai ăn trứng vịt lộn không nên dùng với rau răm vì dễ gây chảy máu, sảy thai.
Những lưu ý khi ăn trứng vịt lộn
Không ăn vào buổi tối: Nên tránh ăn trứng vịt lộn vào buổi tối vì hàm lượng dinh dưỡng trong đó cao, khi đi ngủ sẽ bị khó chịu, đôi khi dẫn tới đầy hơi, không tiêu hóa được.
Không ăn quá nhiều: Vì là món ăn rất bổ, giàu dinh dưỡng nên việc ăn trứng vịt lộn mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Do vậy, mỗi người lớn khỏe mạnh tốt nhất chỉ nên ăn 2 trứng vịt lộn mỗi tuần.
Ăn kèm với rau răm: Nói về việc sử dụng kèm rau răm khi ăn trứng lộn, bác sĩ Châu cho biết theo Đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Rau răm còn có tác dụng làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, tránh lạnh bụng…
Do vậy, điều mà ai cũng thấy đó chính là rau răm (đôi khi có người ăn thêm gừng) sẽ giúp cho người ăn trứng vịt lộn không bị lạnh bụng, đầy hơi, tránh được các vấn đề về tiêu hóa.
Ngoài ra, ăn kèm rau răm với trứng vịt lộn có khả năng giảm bớt ham muốn tình dục từ tác dụng của trứng vịt lộn, đem tới sự cân bằng âm dương cho cơ thể.
Đối với những người sử dụng trứng vịt lộn nhiều để nhằm mục đích tăng cân, bác sĩ Châu cho biết một quả trứng vịt lộn cung cấp 182 kcal năng lượng; 13,6g protein; 12,4g lipid; 82mg canxi; 212gam photpho và 600mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, nhóm B và vitamin C, sắt…
“Tuy nhiên, nếu ăn nhiều trứng vịt lộn với mục đích tăng cân mà không ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng khác, khẩu phần thiếu cân đối không phối hợp với việc tập luyện thì việc tăng cân là khó thực hiện. Và tăng cân ở đây sẽ chỉ tăng lượng mỡ trắng trong cơ thể kết quả sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin khoáng chất cần thiết cho cơ thể cùng các nguy cơ bệnh lý như đã đề cập ở trên”, bác sĩ Châu nói.