Trẻ nhỏ trở thành 'ngôi sao' mạng xã hội: Hệ lụy khó lường

GD&TĐ - Trong thời đại công nghệ số, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội là một trong những công việc được nhiều người yêu thích và theo đuổi.

Sự hồn nhiên của đứa trẻ khi chơi đùa có thể bị biến thành công cụ quảng cáo. Ảnh minh họa: Getty Images
Sự hồn nhiên của đứa trẻ khi chơi đùa có thể bị biến thành công cụ quảng cáo. Ảnh minh họa: Getty Images

Trong đó, xuất hiện nhiều kênh, mạng xã hội do chính các ông bố, bà mẹ lập ra, chia sẻ về cuộc sống của con mình.

Những em bé nổi tiếng

Trên thế giới, có rất nhiều những “ngôi sao mạng xã hội” còn ở độ tuổi rất nhỏ. Có thể kể tới kênh “Taytum and Oakley Fisher”. Hai bé gái song sinh trở nên nổi tiếng sau một video quay cảnh hai cô bé lần đầu tiên bị chia cắt một cách đầy xúc động.

Người điều hành kênh YouTube và Instagram của hai bé chính là mẹ của họ. Những video của cặp song sinh thu hút hơn 107.000 người đăng ký YouTube và 3,1 triệu người theo dõi Instagram. Kênh của hai bé được “định giá” có thể kiếm được 300.000 USD/tháng.

Tại Việt Nam hiện nay, các kênh mạng xã hội có tên gọi và hình ảnh của trẻ em cũng xuất hiện rất nhiều và thu hút lượng tương tác, theo dõi “khủng” nhờ sự đáng yêu, ngây thơ của trẻ nhỏ.

Có những em bé mới vài tuổi, thậm chí vài tháng tuổi nhưng đã được bố mẹ xây dựng cho mạng xã hội riêng. Về mục đích, có người mong muốn lưu giữ hình ảnh tuổi thơ cho con trẻ, có người muốn lan tỏa và truyền cảm hứng từ những thước phim. Cũng có những phụ huynh coi đây là cách để thu về lợi nhuận.

Một số phụ huynh xây dựng hình tượng bà mẹ, ông bố nổi tiếng trên mạng xã hội, các em bé và các kênh mẹ - bé có thể mang lại thu nhập cho cả gia đình. Ghi nhận từ các hội nhóm quảng cáo (booking), nhu cầu tìm những bà mẹ - em bé nổi tiếng để quảng cáo các sản phẩm cho mẹ và bé như bỉm, sữa bột, dịch vụ y tế trẻ em… rất cao. Mức giá đặt hàng quảng cáo có sử dụng hình ảnh em bé nổi tiếng có thể dao động từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng, tùy vào tương tác của từng kênh.

Là một nhà sáng tạo nội dung số, kênh TikTok của chị Nguyễn Thị Lan A. (Long Biên, Hà Nội) chủ yếu xoay quanh cuộc sống thường ngày của gia đình nhỏ. Trong những thước phim được chị đăng tải, nhiều bình luận từ khán giả bày tỏ sự yêu quý cô con gái của chị là bé L.B. (5 tuổi) bởi sự hoạt bát, đáng yêu.

“Khi kênh đạt được số lượt tương tác cao, tôi cũng nhận được lời mời hợp tác của một số nhãn hàng. Công việc cũng đơn giản, chỉ cần quay clip về con khi trải nghiệm sử dụng các mặt hàng, một số loại đồ gia dụng…

Bên cạnh đó, tôi có thể gắn các sản phẩm vào giỏ hàng và nhận hoa hồng từ mỗi lượt mua. Phía nhãn hàng cũng bày tỏ mong muốn con gái của tôi xuất hiện trong clip, bởi như vậy sẽ thu hút được tương tác cao”, chị Lan A. chia sẻ.

Bé L.B. cũng rất vui vẻ hợp tác với mẹ để quay clip, từ những clip nấu ăn, phụ mẹ làm việc nhà… Kênh ngày càng thu hút được nhiều lượt xem và sự yêu mến của khán giả khi giới thiệu các sản phẩm dành cho gia đình.

tre-nho-thanh-ngoi-sao-mang-xa-hoi-2-8670.jpg
Instagram 'Taytum and Oakley Fisher' của cặp song sinh nhỏ tuổi có thể kiếm được 300.000 USD/tháng. Ảnh: INT

Những hệ lụy khó lường

Sau này, khi ngày càng nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các nhãn hàng, chị Lan A. nhận ra con không còn vui vẻ và hào hứng với việc quay phim nữa. Con gái chị kể khi đi học, bé hay bị các bạn trêu là “người nổi tiếng”.

Lúc này chị nhận ra từ mục đích ban đầu là lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc ấm êm của gia đình, kênh của mình lúc này đã bị “thương mại hóa”. Vì vậy, chị quyết định dừng việc cho con xuất hiện trong các thước phim trên kênh mạng xã hội.

Thực tế trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, ngày càng có thêm nhiều công việc từ chính mạng “ảo” đem lại thu nhập nên nhiều gia đình sẵn sàng sử dụng hình ảnh con trẻ phục vụ cho việc kiếm tiền.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp các bé thường xuất hiện trên các buổi livestream bán hàng bằng việc phụ họa hình ảnh hoặc trực tiếp tham gia vào việc buôn bán online.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hạnh Liên phân tích, việc đăng hình ảnh của trẻ em lên các nền tảng mạng xã hội đã ít nhiều tác động đến sự phát triển tự nhiên của bé khi cuộc sống riêng tư của bé bị công khai.

Mạng xã hội là “con dao hai lưỡi” có thể đem lại nhiều lợi nhuận, song cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới con trẻ. Đôi khi bên cạnh những lời khen, trẻ sẽ còn phải nhận về những lời chê bai, đàm tiếu không đúng, không phù hợp với tâm lý và độ tuổi của các bé. Lúc này cảm xúc của trẻ sẽ rất tệ, lâu dần có thể dẫn tới những trắc trở về tâm lý. Bởi các em còn nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống, chưa đủ bản lĩnh và chưa có bộ lọc cá nhân để xử lý những tình huống phát sinh.

“Vì vậy để bảo vệ con, bố mẹ nên thận trọng và cân nhắc khi đăng tải quá nhiều về con lên mạng xã hội. Hãy để chúng được tự do sống và sinh hoạt đúng lứa tuổi. Khi trưởng thành, nếu thích nổi tiếng, con sẽ có định hướng của bản thân”, TS Hạnh Liên phân tích.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Theo quy định của Luật Trẻ em 2016 thì trẻ em ngoài quyền được sống, còn có các quyền rất đặc trưng đó là: Quyền được giáo dục, học tập (Điều 16); quyền được vui chơi giải trí (Điều 17); quyền bí mật đời sống riêng tư (Điều 21); quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động (Điều 26) và các quyền khác.

“Nếu sử dụng trẻ vào việc kiếm tiền làm ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, thì cha mẹ có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 23, Nghị định 130/2021, với số tiền phạt từ 3 đến 5 triệu đồng hoặc bị phạt theo khoản 3, Điều 23 với số tiền từ 20 đến 25 triệu đồng do hành vi bắt trẻ em lao động trước tuổi (khi trẻ chưa đủ 13 tuổi)”, luật sư Diệp Năng Bình cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ