Dễ học thuộc
Những giai điệu lời lẽ vừa lạ lại vừa quen được bọn trẻ hát một cách khoái trá. Đó là những bài hát với lời lẽ quá phóng thoáng, thậm chí tục tĩu bất cần đời được cất lên trên nền giai điệu của một bài hát nào đó khiến cho nhiều người lớn không khỏi ngỡ ngàng. Tệ nhất là những bài hát dân ca hay “những ca khúc đi cùng năm tháng” được “soạn” lại để trở thành nhạc chế. Những em bé với sự tò mò, nhạy cảm đã học thuộc rất nhanh những bài hát ấy.
CD Nhạc chế (ảnh: Internet) |
Chị Nguyễn Thu Hà (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) chưa khỏi ngỡ ngàng trước bài nhạc chuông chế “độc đáo” của cậu con lớn thì đã ngạc nhiên hơn khi nghe cô út nhà chị (3 tuổi) hát thành thục một bài hát gì đó cũng thuộc loại nhạc chế. Và nguồn gốc bài hát ấy chính là từ chiếc điện thoại kia mà ra.
Thì ra anh của cô bé thích loại nhạc này, cậu ta tải về điện thoại của mình rất nhiều bài và cô em gái đã học những bài hát ấy. Cô bé hát véo von cả ngày, nó chỉ biết rằng anh bảo “hay”, nó cũng thấy buồn cười, nhưng khi hỏi “hay”, buồn cười ở chỗ nào thì nó …chịu.
Ấy vậy mà bố của bọn trẻ thì lấy làm đắc ý lắm, khen con gái giỏi rồi mỗi khi đi làm về là lại “nhờ con”: “Hát cho bố nghe!”. Anh cho rằng: “Trẻ con hát nhạc chế nhưng không ảnh hưởng gì đến việc ăn ngoan chóng lớn là tốt, giới trẻ bây giờ nó thế, mình cho là không hay nhưng chúng nó thì bảo hay”. Và hát như thế cho rèn luyện “năng khiếu” âm nhạc. Bố một ý, mẹ một ý, bọn trẻ không biết đúng sai thế nào, còn anh chị thì to tiếng vì cách dạy con. Chị Hà phản đối: “Bọn trẻ con hát mấy bài hát nhạc trẻ yêu rồi lại chia tay đã đau đầu rồi, bây giờ lại đến mấy bài hát tục tĩu này, không thể chấp nhận được.”
Chị Bùi Thị Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang đau đầu tìm cách dạy bảo bé Minh (5 tuổi) – con trai chị khi thấy cậu bé hát mấy bài nhạc chế một cách say sưa. Hỏi ra mới biết cậu bé hay sang nhà trọ của mấy anh sinh viên chơi và học luôn mấy bài hát buồn cười ấy.
Bài “ Tây Du Ký chế” được thằng bé hát nhiều nhất, hát bất cứ khi nào có thể, lúc nào cũng thấy Minh véo von: “Đường lấy kinh còn rất xa, cứ đi từ từ, ngồi xuống đây làm cốc bia…”. “Chỉ hôm trước tôi dặn nó là: không được sang nhà mấy anh sinh viên chơi, hát bài hát ấy là không ngoan nhưng chỉ được vài hôm nó lại học được bài khác rồi. Không biết phải làm thế nào”. Chị Oanh than thở. Khuyên răn con không xong, chị chỉ còn cách “mặc kệ nó miễn sao nó học giỏi, chăm ngoan, mau lớn là được”.
Dễ truyền miệng
Không chỉ học thuộc những bài hát nhạc chế một cách nhanh chóng mà bọn trẻ còn dạy cho nhau …cùng thuộc một cách dễ dàng. Đã có nhiều thầy cô giáo cấp tiểu học phải ngỡ ngàng khi thấy học trò của mình dạy cho nhau nhạc chế có khi thuộc nhanh hơn cả bài học.
Cô Lực – giáo viên trường tiểu học Tiên Dược (Hà Nội) giật mình khi nghe thấy học trò của mình hát nhạc chế một cách say sưa ngay tại lớp. “Một em hát rồi dạy lại cho em khác học thuộc bằng phương pháp truyền miệng, đang lứa tuổi tò mò, cái mới lạ, các em học thuộc rất nhanh, thế là chẳng mấy chốc cả nhóm hát lên ầm ĩ, những em khác thấy hay lại đến để học, vì vậy bài hát ấy lan truyền rất nhanh.” cô tâm sự.
Những bậc phụ huynh phản đối khi trẻ học hát nhạc chế như chị Oanh hay chị Hà không phải là ít nhưng họ lại không có cách dạy bảo con sao cho đúng nhất. Bên cạnh đó lại có nhiều bậc phụ huynh cho như thế là chuyện bình thường và để trẻ …tự nhiên. Nhưng họ đâu biết rằng: với trẻ, nhạc chế giống như một bài học mới mà học thuộc thì lại quá dễ dàng. Những bài hát đi cùng năm tháng hay những bài hát dân ca được “chế” lại rồi được trẻ hát thì liệu rằng trẻ có còn hình dung ra được giai điệu thực sự của những ca khúc ấy không? tâm hồn có được phát triển toàn diện một cách tích cực hay không?
Trong khi mọi người luôn cố gắng giúp con em mình có môi trường tốt nhất để phát triển thì những em bé lại trở thành “fan” của nhạc chế một cách… bất đắc dĩ vì được tiếp xúc từ môi trường xung quanh. Trong thời gian qua, báo chí đã tốn nhiều giấy mực để lên án nhạc chế gây tổn hại tới giới trẻ nhưng loại nhạc này vẫn không thể kiểm soát.
Ngọc Bích