Trẻ nào cần chú ý khi tiêm vắc xin Covid-19?

GD&TĐ - Ở những trẻ có tiền sử dị ứng thì cần được tư vấn, đánh giá của nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ Nhi khoa để có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quyền lợi được tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho các cháu.

Nhân viên y tế tiêm cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm chủng trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng 17/4. Ảnh: TTXVN.
Nhân viên y tế tiêm cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm chủng trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng 17/4. Ảnh: TTXVN.

Thông tin trên báo chí, TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc tiêm vắc xin Covid-19 là vô cùng cần thiết để phòng bệnh cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Đặc biệt, những trẻ đã khỏi Covid-19, trẻ có tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mạn tính... cũng nên được tiêm phòng như người lớn và trẻ lớn, tuy nhiên cần chú ý thận trọng.

- Những trẻ có bệnh lý mạn tính nên được tiêm, song một số trẻ đang có bệnh cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh mạn tính đang phải điều trị thì nên trì hoãn tiêm sau và cần tư vấn của nhân viên y tế để được tiến hành tiêm ngay khi có thể.

Những trẻ này khi tiến hành tiêm và sau tiêm nên được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế. Phụ huynh cũng cần theo dõi sát sao trẻ trong những ngày đầu sau tiêm, khi có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường hoặc biểu hiện bệnh cũ nặng lên cần đến bệnh viện khám và đánh giá ngay.

- Ở những trẻ có tiền sử dị ứng thì cần được tư vấn, đánh giá của nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ Nhi khoa để có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quyền lợi được tiêm phòng cho các cháu.

- Những trẻ đã khỏi Covid-19 vẫn nên được tiến hành tiêm chủng, tuy nhiên thời điểm phụ thuộc vào từng cháu cụ thể. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau 03 tháng nhiễm Covid-19, trẻ nên được tiêm phòng. Tuy nhiên tùy tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ của trẻ có thể tiến hành sớm hơn, cần phải được tư vấn cụ thể của các nhân viên y tế trong những trường hợp cụ thể.

Những điều bố mẹ không nên làm

- Khai sai lệch tuổi của trẻ: Theo quy định về tiêm chủng thì trẻ chỉ được tiêm khi đã đủ tuổi, không tiêm cho trẻ dưới tuổi. Lý do là các loại vắc xin đều được thử nghiệm để xác định tính an toàn và hiệu quả theo độ tuổi quy định.

Tương tự như vậy, hiện chưa có nghiên cứu nào xác định vắc xin Pfizer đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, khi đưa trẻ đi tiêm, bố mẹ nên khai đúng tuổi của trẻ.

Đừng vì nóng lòng muốn con được tiêm sớm hoặc nghĩ rằng con chỉ thiếu một vài tháng là đủ 5 tuổi nên khai báo sai lệch để con được tiêm. Tiêm vắc xin không đúng tuổi quy định không mang lại hiệu quả phòng bệnh cho trẻ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

- Khai báo thiếu các bệnh lý nền, tiền sử dị ứng của trẻ: Theo quy định của Bộ Y tế, có các yếu tố cần quan tâm trong khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vắc xin cho trẻ em.

Trong đó, phải trì hoãn tiêm đối với trẻ đang mắc các bệnh cấp tính, mãn tính tiến triển; Thận trọng khi tiêm với những trẻ có tiền sử dị ứng với bất cứ dị nguyên nào, trẻ bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi;

Phải chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện với trường hợp trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, mãn tính ở tim, phổi, hệ tiêu hóa, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

Đặc biệt, sau khi tiêm mũi 1 hoặc xác định trẻ có phản ứng phản vệ với các thành phần vắc xin phòng Covid-19 thì sẽ chống chỉ định tiêm vắc xin cùng loại. Trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm trong 3 tháng từ ngày phát bệnh.

Do đó, bố mẹ cần nắm rõ tiền sử bệnh của con và khai báo chi tiết để quá trình khám sàng lọc và chỉ định tiêm được an toàn, tránh gây những tác dụng phụ đáng tiếc sau tiêm, gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ.

- Cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau trước khi tiêm: Vì sợ các phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau nhức, mỏi cơ… gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nên nhiều phụ huynh cho con uống thuốc giảm đau trước khi tiêm. Điều này không những không có tác dụng gì mà còn có thể có thêm các tác dụng phụ do thuốc.

Trẻ nào cần chú ý khi tiêm vắc xin Covid-19? ảnh 1

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ