Gần đây, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ chậm tăng trưởng. Điển hình là trường hợp của bé gái N.T.P., nhà ở TPHCM.
Dù đã 11 tuổi, nhưng bé P., cân nặng 23 kg và cao 115 cm, thấp hơn người em họ cùng tuổi gần 10 cm. Khi đến trường, bé P. thường bị bạn bè trêu chọc bằng những biệt danh không hay vì sự thấp bé của mình. Mặc dù bố mẹ bé đã mua nhiều loại sữa giàu canxi cho con mình sử dụng nhưng không thấy khả quan. Lâu dần, bé sinh ra tâm lý tự ti, mặc cảm về chiều cao của mình và khó hòa nhập tập thể.
Đến khám tại BV ĐHYD, bé được chẩn đoán lùn do suy tuyến yên và được điều trị bằng hormone tăng trưởng. Sau một thời gian, kết quả điều trị có tín hiệu khả quan, năm đầu tiên bé tăng 10 cm, năm kế tiếp bé tăng thêm 7 cm. Hiện tại bé vẫn đang tiếp tục điều trị nhưng đã tự tin, vui tươi hơn trước và không còn mặc cảm về chiều cao của mình.
Biểu đồ tăng trưởng chiều cao của trẻ. |
TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phòng khám Nhi BV ĐHYD, chia sẻ: “Các bậc phụ huynh có thể dựa vào những biểu hiện sau đây để nhận biết con em mình bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng như lùn, chậm tăng trưởng chiều cao, trẻ có cân nặng bình thường nên có dáng vẻ mập mạp, vẻ mặt “non” hơn so với tuổi, có thể có một số dấu hiệu đi kèm như sứt môi, chẻ vòm…"
BS Quỳnh cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu, chiều cao không đạt được các cột mốc theo độ tuổi hoặc chiều cao tăng trưởng chậm (<5 cm/ năm đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên) thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt. Như vậy, trẻ có thể đạt được chiều cao bình thường khi trưởng thành.
Bình thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25 cm và trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm 5 cm. Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao.
Việc theo dõi tăng trưởng chiều cao của trẻ rất quan trọng nhằm phát hiện trẻ có bị “Chậm tăng trưởng chiều cao” hay không?
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng...
Theo nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ bệnh thiếu hormone tăng trưởng là 1/4000. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải như chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não, một số khác không xác định được nguyên nhân.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chương trình “Tầm soát và tư vấn miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em”. Chương trình sẽ khám và tư vấn miễn phí cho 300 trẻ em trước độ tuổi dậy thì bị chậm tăng trưởng chiều cao, do các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết và Nhi khoa của Bệnh viện thực hiện.
Thời gian tư vấn và khám bệnh: 8h - 12h vào các ngày thứ Bảy, từ tháng 6/2018 - 8/2018 (Ngày 16/6, 23/6, 30/6, 7/7, 14/7, 21/7, 28/7, 4/8, 11/8, 18/8, 25/8, 1/9). Địa điểm: Khoa Nội tổng hợp, Lầu 9, Khu A, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - 215 Hồng Bàng, P. 11, Q. 5, TPHCM. Số lượng tư vấn: 30 bé/buổi.
Các bậc phụ huynh đăng ký trong giờ hành chính (từ 8h - 17h) qua số điện thoại: 0866 406 960.