Những dấu hiệu cho thấy con bạn đang mắc phải “bệnh lùn”

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ không hiểu vì sao con mình lại không vượt qua được tình trạng mà các bác sĩ hay gọi là “bệnh lùn”.

Nhiều trẻ dù được nuôi dưỡng đúng cách nhưng chiều cao vẫn “giậm chân tại chỗ" (Ảnh minh họa)
Nhiều trẻ dù được nuôi dưỡng đúng cách nhưng chiều cao vẫn “giậm chân tại chỗ" (Ảnh minh họa)

Cha mẹ đều cao, con trẻ cũng được chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng rất đúng cách để “kích” chiều cao. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ không hiểu vì sao con mình lại không vượt qua được tình trạng mà các bác sĩ hay gọi là “bệnh lùn”.

Nói về căn bệnh này, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Bệnh không ảnh hưởng lớn về thần kinh, sức khỏe, chức năng sinh sản dù có hơi chậm dậy thì. Tuy nhiên người bệnh bị đè nặng tâm lý thiếu tự tin, mất đi nhiều cơ hội việc làm, phấn đấu do thân hình thấp lùn so với người khác”.

Chủ quan với dấu hiệu của bệnh

Từ khi con gái được 2 tuổi, chị Thu Hương - 36 tuổi, ở Hà Nội - cảm thấy lo lắng vì chiều cao của cô bé phát triển rất chậm, thậm chí còn thua người em họ sinh cùng năm, cùng tháng gần 10 cm. Đưa con tới các trung tâm khám dinh dưỡng và được chẩn đoán còi xương, chậm lớn, chị Hương ra sức tẩm bổ cho bé bằng các loại sữa tăng chiều cao cũng như những sản phẩm bổ sung canxi.

Song, qua vài năm mà chiều cao của con gái chị vẫn thấp hơn mức trung bình 5-6 cm, trong khi cân nặng đã thừa khá nhiều. Đến khi con gái học lớp 1, thấy bé lùn hơn nhiều so với bạn bè, chị Hương mới đưa đến Bệnh viện  Nhi trung ương khám. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, chụp tuổi xương, các bác sĩ phát hiện bé thiếu hormone tăng trưởng. Bé được chỉ định bổ sung loại hormone này trong điều trị.

Không chỉ con gái chị Đào mà hàng chục bệnh nhân khác cũng đang được theo dõi, điều trị “bệnh lùn”. PGS-TS Nguyễn Thị Hoàn (Trưởng khoa nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung Ương), cho biết trẻ có 3 giai đoạn phát triển chiều cao.

Từ sơ sinh đến 3 tuổi, trẻ tăng 8-10 cm/năm; từ 3-10 tuổi ở bé gái và 3-13 tuổi ở bé trai, trẻ tăng 6-7 cm/năm và giai đoạn dậy thì có thể tăng vọt 8-12 cm/năm. Rất dễ nhận biết những trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng vì gần như không tăng trưởng chiều cao hoặc tăng trưởng rất chậm. Trẻ càng lớn, sự phát triển chiều cao càng cách biệt so với trẻ cùng lứa tuổi.

Thế nhưng, rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng con chậm lớn là do suy dinh dưỡng, còi xương nên có một thời gian điều trị dinh dưỡng trước khi tìm đến các cơ sở y tế. Khi đó, trẻ được chẩn đoán mắc “bệnh lùn” do thiếu nội tiết tố tăng trưởng. Một khi sụn tăng trưởng đã đóng, trẻ không còn khả năng tăng trưởng chiều cao nữa.

Đồng quan điểm, các bác sĩ khoa Nội tiết – BV Nguyễn Tri Phương (TP. HCM) cho biết, việc chậm phát triển chiều cao ở trẻ không chỉ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng mà còn đến từ nguyên nhân nội tiết, bệnh nội khoa, di truyền hay do thể trạng… Cũng có một số trường hợp không xác định được nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao, những trẻ như vậy gọi là thấp vô căn. Việc đánh giá tăng trưởng chiều cao của trẻ cần có quá trình và phải qua nhiều khâu kiểm tra, xét nghiệm toàn diện.

Chi phí lớn cản trở điều trị

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hoàn, dấu hiệu của thiếu hormone tăng trưởng là trẻ ở độ tuổi từ 2 đến khi dậy thì phát triển chiều cao ít hơn 4 cm trong 1 năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao, trong đó phải kể đến yếu tố di truyền, thể tạng, chậm tăng trưởng trong tử cung, suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh mãn tính, bất thường nhiễm sắc thể...

Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao thường do suy dinh dưỡng mạn tính. Tuy nhiên, có những trẻ dù đã được nuôi dưỡng đúng cách nhưng chiều cao vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều này có thể do trẻ gặp vấn đề về thiếu nội tiết tố tăng trưởng.

PGS Hoàn cho biết tỉ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Thiếu nội tiết tố tăng trưởng có thể vì bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não…Khi trẻ được chẩn đoán thiếu nội tiết tố tăng trưởng, bác sĩ sẽ khuyến cáo điều trị thay thế bằng nội tiết tố tăng trưởng.

Thông thường, sau điều trị nội tiết tố tăng trưởng khoảng 3-6 tháng, hầu hết trẻ sẽ tăng trưởng khoảng 5 cm trở lên trong 1 năm. Những trẻ đáp ứng thuốc tốt có thể tăng khoảng 10 cm/năm. Phương pháp này cung cấp lượng nội tiết tố tăng trưởng đều đặn để trẻ có chiều cao trưởng thành gần mức bình thường. “Có những bé gái đến BV lúc 8 tuổi với chiều cao 104 cm. Sau 21 tháng tiêm thuốc, cháu đã tăng 23,5 cm, gần đạt mức bình thường” - TS Hoàn dẫn chứng.

Giới chuyên môn đặc biệt lưu ý việc phát hiện và điều trị sớm “bệnh lùn” là vô cùng quan trọng bởi không phải cứ muốn là có thể “kích” được chiều cao nhờ hormone tăng trưởng.

Theo PGS Hoàn, hormone tăng trưởng đem lại hiệu quả cao nhưng với điều kiện trẻ phải điều trị sớm. Trẻ phải được chữa bệnh trước tuổi dậy thì, tốt nhất là dùng thuốc từ 4-5 tuổi và dưới 13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ không được kích thích sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị tăng chiều cao bằng hormone tăng trưởng khá đắt tiền. Chi phí của liệu pháp này tùy thuộc vào cân nặng của trẻ. Chi phí cho một trẻ cân nặng 10-20 kg có thể từ 60 đến 100 triệu đồng/năm. Nếu trẻ được điều trị khoảng 3-5 năm, chi phí có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Do vậy, trẻ được điều trị càng sớm càng tốt để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, PGS Hoàn cũng khuyến cáo việc điều trị hormone tăng trưởng chỉ được chỉ định cho những trường hợp cơ thể không sản xuất đủ hormone này. Những người thấp bé do di truyền sẽ không thể cải thiện chiều cao bằng loại thuốc nêu trên. Thậm chí, người bình thường nếu cố tình dùng thuốc để “chân dài” sẽ khiến chất này bị dư thừa, gây ra các rối loạn nội tiết mà hậu quả là không thể lường hết.

Bác sĩ này cũng cho biết thêm, hiện nay, trên các trang mạng xã hội ngập tràn những quảng cáo về các loại thuốc tăng chiều cao nhanh chóng và tự nhiên với giá không hề rẻ chút nào. Có rất nhiều bậc phụ huynh khi thấy con mình thấp hơn các bạn cùng trang lứa đã lên mạng tìm hiểu và bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua những loại thuốc tăng chiều cao cho con. Tuy nhiên kết quả lại không như mong muốn.

PGS Hoàn cảnh báo, hiện nay tại Việt Nam chưa có loại thuốc nào được chứng minh và kiểm chứng có tác dụng tăng chiều cao là thật hay giả. Thành phần chính trong các loại thuốc tăng chiều cao chính là hoạt chất chondroitin sulfat. Đây là hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên, được chiết suất từ sụn vây cá mập. Tuy nhiên do sự khan hiếm của nguyên liệu và để tiết kiệm mà nó được thay thế bằng việc chiết suất từ khí quản bò cùng với một số chất hóa học khác.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu khoa học cho biết chưa có một kết quả nghiên cứu nào chứng minh chondroitin có khả năng tăng chiều cao. Chondroitin sulfat được dùng trong việc chữa các bệnh về mắt, thoái hóa xương khớp và hỗ trợ điều trị ung thư. Chính vì vậy mà các mẹ cần phải tìm hiểu kỹ trước khi cho con em mình sử dụng. Đặc biệt đối với những trẻ đang trong giai đoạn phát triển chiểu cao, việc sử dụng những loại thuốc tăng chiều cao ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tăng trưởng của trẻ.

Theo giadinhvietnam.com

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.