Tuy nhiên 3 ngày trở lại đây, con số này đã tăng mạnh, dao động từ 2.000 - 2.700 bệnh nhân/ngày khiến bệnh nhân cũng khổ sở vì chờ đợi, cán bộ y tế cũng thêm nhiều áp lực căng thẳng.
Viêm đường hô hấp, viêm phổi tăng vọt
Số bệnh nhân đông đúc, tăng vọt lại thêm thời tiết nắng nóng, tiếng trẻ khóc, ho, nôn rồi lượng người đi cùng trẻ (trung bình 1 trẻ có 2 người đưa đi khám) khiến các sảnh chờ chật như nêm, người bệnh chờ cũng mệt mà bác sĩ cũng phải căng mình khám.
“Trong tổng số trẻ đến khám, nhiều nhất là các bệnh có biểu hiện sốt, nhiễm trùng họng và phế quản, thứ 2 là tiêu chảy cấp. Hai bệnh này chiếm chủ yếu. Đặc biệt do tình trạng sốt vi rút sốt cao mà thuốc hạ sốt cũng không có tác dụng nên bệnh nhân các tuyến dưới vượt lên rất nhiều”, BS Phạm Quốc Khương, Phó trưởng Khoa khám bệnh, cho biết.
Tương tự, tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), trung bình ngày thường chỉ tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân tại khoa Khám bệnh, nay cũng tăng 300 - 400 bệnh nhân mỗi ngày. Trong đó, riêng bệnh lý về đường hô hấp chiếm đến 40% bệnh nhi đến khám. Riêng tiêu chảy cũng bắt đầu xuất hiện, chủ yếu rối loạn tiêu hóa do ăn uống, ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Để tránh tình trạng quá tải, khoa đã phải tăng cường điều trị ngoại trú, sàng lọc kỹ trước khi có chỉ định nhập viện.
Đại đa số bệnh nhân khám vượt tuyến
BS Hùng cho biết, trong số bệnh nhi khám, lượng bệnh nhân nặng không nhiều. Số nhập viện chiếm không tới 10% tổng số khám và đại đa số là lượng bệnh nhi khám vượt tuyến. 90% bệnh nhi còn lại đều là những bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy thông thường hoàn toàn có thể khám, điều trị hiệu quả ở tuyến cơ sở mà không phải vất vả cả đoạn đường đến BV Nhi Trung ương.
“Bệnh viện đã triển khia nhiều giải pháp đồng bộ để giảm tải, như tuyên truyền bệnh nhân với những bệnh lý không cấp cứu, không quá nặng thì thay vì buổi sáng có thể đến khám vào buổi chiều hoặc buổi tối. Thêm nữa số lượng phòng khám cũng được tăng cường lên trên 60 phòng khám/ngày và khống chế số lượng bệnh nhân khám không quá 50 cháu/bàn khám để bác sỹ có thời gian giải thích nhiều hơn, phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Công tác đón tiếp, làm các thủ tục về khám bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng cũng được tăng cường. Bệnh viện bố trí nhiều khu vực ghế, cây nước uống… giúp bệnh nhân đỡ phiền hà và giảm thời gian chờ đợi… nhưng lượng bệnh nhân vẫn rất đông”, BS Hùng cho biết.
Đảm hạn chế bệnh tật cho trẻ trong thời điểm nắng nóng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đặc biệt nắng nóng cần cho trẻ uống đủ nước, tránh để trẻ mất nước. Thứ 2 là cũng hạn chế đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc trẻ, người lớn mắc bệnh. Bật điều hòa hạn chế để trẻ chạy ra chạy vào phòng điều hòa, đang mát chạy ra nóng rồi nóng chạy vào lạnh trẻ rất dễ ốm. Trước khi cho trẻ ra khỏi phòng, cần mở cửa phòng, đứng trước phòng một lúc để thích nghi với nhiệt độ nóng bên ngoài rồi mới chạy ra ngoài.
Ngoài ra, cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, xổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.
Về ăn uống, các bác sĩ cũng lưu ý, thời điểm mùa hè đã đến, bố mẹ phải rất chú ý khâu vệ sinh ăn uống cho trẻ để phòng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Thức ăn cho trẻ khi chế biến xong nên ăn ngay, không để lâu ở môi trường ngoài trời. Nếu muốn bảo quản cần đóng hộp để ngăn mát tủ lạnh và khi cho trẻ ăn thì phải nấu chín kỹ lại. Chỉ một sự bất cẩn không chú ý trẻ có thể ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm với trẻ em.