Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

GD&TĐ - Theo bác sĩ Võ Quốc Bảo, trẻ bị ngộ độc thực phẩm không được cho uống thuốc cầm tiêu chảy, chỉ bù điện giải để tránh mất nước.

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

Theo bác sĩ Võ Quốc Bảo, Khoa Hồi Sức – Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), trẻ bị ngộ độc thực phẩm không phải hiếm gặp. Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trẻ bị ngộ độc thực phẩm từ nhẹ tới nặng.

Theo bác sĩ Bảo, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Trong đó, hai “thủ phạm” chính là vi khuẩn và hóa chất trong thức ăn.

Hóa chất như thực phẩm dùng nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm… trẻ ăn phải mắc các bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư, biến đổi gien.

Vi khuẩn thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Thực phẩm không được vệ sinh sạch sẽ là môi trường ủ bệnh của vi khuẩn. Các loại vi khuẩn thường phát triển ở môi trường giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa… Các vi khuẩn gây ra những triệu chứng nguy hiểm này thường là vi khuẩn E.coli, Salmonella, nhiễm độc do tụ cầu hoặc vi khuẩn Escherichiacoli.

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm theo dõi tại BV Bạch Mai, Hà Nội.

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm theo dõi tại BV Bạch Mai, Hà Nội.

Bác sĩ Bảo cho biết, trẻ ngộ độc thực phẩm thường có dấu hiệu chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy khó cầm. Nếu do vi khuẩn Salmonella, trẻ sẽ có triệu chứng như: sốt, đau quặn vùng bụng, buồn nôn, đi ngoài ra máu. Nếu do vi khuẩn E.coli, con bạn sẽ có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, mất nước.

Khi ăn phải thịt, cá bị nhiễm tụ cầu, các độc tố trong tụ cầu sẽ khiến trẻ đau đầu, nôn, đau bụng, đi ngoài liên tục và có thể dẫn đến tình trạng hôn mê.

Các triệu chứng xuất hiện trong vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày. Nếu không chăm sóc kịp thời trẻ có thể diễn biến nặng như trụy tim mạch, dấu hiệu mất nước thường thấy nhất là trẻ khát nước, khô miệng, khô môi, mắt trũng, mạch nhanh có thể bé bị co giật, nước tiểu ít và sẫm màu.

Khi phát hiện trẻ bị ngộ độc, cha mẹ, cô giáo cần nhanh chóng làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài, bằng cách dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi, kích thích để bé nôn ra thức ăn.

Khi nôn, trẻ hay bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.

Cho bé uống oresol bù lại lượng điện giải đã mất. Cho bé ăn từng chút một thức ăn lỏng như nước cháo, súp. Trẻ lớn hơn thường cho ăn cháo, súp hay cơm nhão để giúp mau hồi phục các men tiêu hóa.

Với trẻ còn bú, các bà mẹ nên cho bú một bên là đủ, sau 6-8 giờ, nếu trẻ không ói thì cho bú lại bình thường.

Bác sĩ Bảo nhấn mạnh, cha mẹ nhớ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc thức ăn, không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau… không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần thức ăn bị phân hủy hết là bệnh sẽ khỏi.

Nếu đã chăm sóc bé như trên mà tình trạng không cải thiện, lại càng nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ bị sốt cao, đi cầu phân có máu, khát nước, đau bụng, hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày thì cho bé nhập viện để điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đồ ăn chó Thức ăn SmartHeart