Trẻ bị bắt nạt học đường dễ mắc trầm cảm

GD&TĐ - Theo chuyên gia tâm lý, trẻ bị bắt nạt học đường dễ bị stress, trầm cảm, nhiều em còn có ý định tự sát.

Trung bình một tháng, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 3 - 4 học sinh bị bắt nạt. (Ảnh minh họa)
Trung bình một tháng, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 3 - 4 học sinh bị bắt nạt. (Ảnh minh họa)

Đây là những số liệu đáng báo động được các bác sĩ tại cơ sở y tế này thông tin.

BSCK II Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dưới góc độ y khoa, hành vi bắt nạt học đường sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác.

“Học sinh bị bắt nạt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Nạn nhân có thể ảnh hưởng ngay sau khi bị bắt nạt. Điển hình là nhiều trẻ phải nhập viện sau những vụ bạo hành hay bạo lực học đường. Những trẻ bị bắt nạt thường có sức khỏe thể chất kém so với bạn đồng trang lứa. Không dừng lại tại đó, bị bắt nạt khiến trẻ bị stress cấp tính và kéo dài”, bác sĩ Yến chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, việc lặp đi lặp lại hành vi bắt nạt làm thay đổi sự đáp ứng với stress của nạn nhân.

Trong thời gian dài, hệ thống hormone đáp ứng stress suy giảm chức năng và dẫn đến phản ứng căng thẳng yếu đi. Từ đó, dẫn tới các vấn đề như rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, chú ý, học tập…

Trẻ còn có thể gặp các vấn đề trầm cảm, lo âu.

Những cá nhân từng bị bắt nạt trên mạng cho biết mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, với những người không bị bắt nạt.

Nữ sinh T.T.D. (14 tuổi, Bắc Ninh) nhập Viện Sức khỏe tâm thần điều trị do hậu quả của việc bắt nạt học đường.

Bệnh nhân đến viện trong tình trạng buồn chán, từng rạch tay tự hủy hoại bản thân và có ý định tự sát.

Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân học tập khá, hoàn thành bài vở đầy đủ, hiếm khi bị thầy cô khiển trách chuyện học tập. Tuy nhiên, khoảng một năm nay, D. có căng thẳng với một nhóm bạn nữ trong lớp.

Sau khi bị các bạn bắt nạt kéo dài gần năm, D. luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt nổi nóng với người thân, học tập bị giảm sút. D. nghỉ học thường xuyên hơn và trở nên lầm lì, ít nói, ăn uống kém.

Khoảng 2 tuần trước khi vào viện, D. tự ý nghỉ hẳn học ở nhà, chỉ ở trong phòng khóc lóc, có suy nghĩ tiêu cực bi quan, không muốn sống. Nữ sinh này cũng có ý nghĩ tự sát để giải thoát, có hành vi rạch tay để đỡ căng thẳng. Lúc này, gia đình lo lắng nên đưa con đi khám.

Theo BSCK II Nguyễn Hoàng Yến, để giải quyết vấn đề, trước hết cần xây dựng môi trường, nhà trường nói không với bắt nạt học đường.

“Cần giáo dục cho học sinh về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khỏe, nhân phẩm của người khác, tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong đánh giá và giải quyết các vấn đề về bắt nạt học đường.

Xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác liên ngành, cung cấp đường dây nóng... kết hợp nhiều biện pháp để giải quyết. Với những trường hợp bị ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý thì cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời”, BSCK II Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ