Trao nhầm con: Lỗi nhỏ, hệ quả lớn

GD&TĐ -Những ngày qua, dư luận liên tục cập nhật thông tin về cuộc sống mới, tâm lý của hai bé trai bị trao nhầm tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) 6 năm trước.

Giây phút đoàn tụ của hai em nhỏ bị trao nhầm BV Đa khoa Ba Vì (Hà Nội)
Giây phút đoàn tụ của hai em nhỏ bị trao nhầm BV Đa khoa Ba Vì (Hà Nội)

Cũng như nhiều gia đình, nhiều trường hợp rơi vào cảnh “trớ trêu” trên, người lớn và trẻ nhỏ đều bị sốc về tâm lý, cuộc sống xáo trộn. Lúc này, có lẽ thời gian là liều thuốc để người trong cuộc tĩnh tâm, sắp xếp lại cuộc sống của mình, để bù đắp cho thiệt thòi mà hai đứa trẻ phải chịu và cũng không để chúng phải chịu thêm bất kỳ tổn thương nào khác.

Một sự cố, nhiều người khổ

Trao nhầm con là một trong những sự cố y khoa có thể xảy ra tại các cơ sở y tế. Vài năm gần đây ghi nhận một số trường hợp trao nhầm con. Sự việc xảy ra tại Nhà hộ sinh Ba Đình (Hà Nội) khiến hai đứa trẻ bị trao nhầm về hai gia đình khác nhau. Sự thật chỉ được phát hiện sau 42 năm, khi người mẹ đã ở tuổi xế chiều muốn làm rõ bí ẩn bà đau đáu suốt nhiều năm. Phép màu đã đến với hai gia đình khi họ tìm được con đẻ của mình. Với hai nạn nhân, do đã trưởng thành nên có lẽ cú sốc với họ không quá lớn. Sự khác biệt lớn nhất là họ có thêm bố mẹ, thêm anh em bạn bè.

Sự nhầm lẫn của nữ hộ sinh ở Trung tâm Y tế thị xã Bình Long (Bình Phước) cũng đẩy hai gia đình không quen biết vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Sau hành trình tìm con dài đằng đẵng, giữa năm 2016, tại Bệnh viện Đa khoa Bình Long (trước kia là Trung tâm Y tế thị xã Bình Long), chính quyền và bệnh viện cùng ký vào biên bản trao đổi con sau sự cố nhầm lẫn năm 2013. Niềm vui vỡ òa với các thành viên trong hai gia đình bởi họ đã tìm lại được núm ruột của mình, đã giải tỏa được những khúc mắc trong lòng gây nhức nhối bao năm. Nhưng ngược lại, với những đứa trẻ, rắc rối lại nảy sinh từ đây.

Câu nói “một sinh không bằng mười dưỡng” của người xưa không sai khi những đứa trẻ quá quen với nếp sinh hoạt cũ, đặc biệt là sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người chúng gọi bằng mẹ, dù không đẻ ra chúng. Tình huống tương tự cũng xảy ra với hai bé trao nhầm ở Ba Vì được phát hiện gần đây. Là cha mẹ, ai cũng muốn được tận tay chăm lo đứa con là máu mủ của mình, do mình đẻ ra. Nhưng cuộc sống đôi khi không thể chiều lòng mọi người. Do vậy, việc tìm được đứa con lưu lạc của mình đã khó, nay để con chấp nhận sự thật, làm sao không để con trẻ bị tổn thương tâm lý còn khó hơn nhiều. Mỗi người một cách nghĩ, mỗi gia đình xử lý tình huống theo cách khác nhau nhưng chắc chắn họ đều đặt quyền lợi, tương lai của đứa trẻ lên hàng đầu.

Định danh mẹ - trẻ: Mỗi nơi một kiểu

Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả người bệnh được cung cấp mã số/mã vạch duy nhất trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện để bảo đảm không nhầm lẫn người bệnh khi cung cấp dịch vụ.

Từ 3 vụ nhầm con được phát hiện thời gian qua cho thấy đều xảy ra ở tuyến y tế cơ sở. Đó là nhà hộ sinh, trung tâm y tế hoặc bệnh viện huyện. Nơi đây, số trẻ được sinh ra mỗi năm không nhiều như bệnh viện chuyên về sản nhưng lại để xảy ra sự cố đáng tiếc trên. Vậy nguyên nhân do đâu, sự yếu kém của con người hay thiếu thốn, lạc hậu của trang thiết bị?

Theo ý kiến một bác sĩ sản khoa, những sự cố trên đều liên quan đến con người. Trong quá trình chăm sóc trẻ, khâu hay bị nhầm nhất là trong lúc tắm. Ở cơ sở y tế tuyến dưới, việc đánh số đôi khi rất sơ sài nên trong quá trình tắm biển số có thể bị mờ, bị rơi vào bồn tắm hoặc xe đẩy nên dễ lấy của bé này đeo cho bé khác. Khi trả cho bà mẹ, nhân viên y tế cứ nhìn số mà trao. Cha mẹ, người nhà lúc này cũng khó nhận biết đúng con mình hay không, trừ trường hợp quá giống cha/mẹ hoặc có đặc điểm nổi trội.

Từ sự cố trao nhầm con, dư luận thắc mắc về quy trình trao trẻ ở các bệnh viện hiện nay như thế nào. Trừ bệnh viện tư, ngoài mã số định danh, việc trao trẻ cho mẹ hoặc người nhà được thực hiện ngay tại phòng mổ/đẻ, trẻ được tắm tại phòng nên khó xảy ra nhầm lẫn.

Còn tại bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương, với hàng ngàn đứa trẻ sinh ra mỗi năm, việc sử dụng mã số định danh được thực hiện ngay từ khi người mẹ vào phòng sinh. Một dãy số được đánh trên dây nhựa khó rách, khó mờ được đeo vào tay mẹ, sau khi sinh sẽ tách ra đeo vào chân em bé. Hai mẹ con chỉ tháo dây sau khi xuất viện và phải dùng kéo cắt. Ngoài ra, trước khi trao con, nhân viên y tế cũng hỏi thông tin về người mẹ, về con để tránh nhầm lẫn…

Nói vậy để thấy rằng, hiện chưa có quy định chung cho việc đánh mã số định danh cho trẻ và mẹ. Tùy thuộc vào điều kiện, mỗi nơi thực hiện một cách. Do vậy, sau sự cố trên, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) Nguyễn Đức Vinh yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế có đỡ đẻ thực hiện nghiêm túc việc thăm, khám, theo dõi, xử lý trong và ngay sau đẻ cũng như xây dựng quy trình bàn giao trẻ cho mẹ/gia đình.

Về phía Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở y tế, đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác liên quan đến việc tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Đồng thời giao Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát các đơn vị thực hiện quy trình kỹ thuật sản khoa, tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.