Trao giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18

GD&TĐ - Ngày 27/11 tại Hà Nội, diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18, năm 2022.

Thí sinh đạt giải Nhất nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh đạt giải Nhất nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đến dự và trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các thí sinh đạt giải.

Báo cáo tổng kết giải, ông Phan Xuân Dũng- Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec, Trưởng ban tổ chức giải - cho biết: Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc là giải thưởng thường niên dành cho các em thiếu niên từ 6 đến 18 tuổi trong cả nước.

Qua 18 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút được hàng vạn em tham gia với hơn 9.000 đề tài tham dự. Trong đó, 1.636 đề tài của các em học sinh đến từ 63 tỉnh, thành đã được Ban tổ chức lựa chọn trao giải. Hàng năm quỹ Vifotec thành lập các đoàn tham gia triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ. Nhiều em học sinh đã đạt huy chương, mang về vinh quang cho đất nước.

Năm 2022 là lần thứ 18 cuộc thi được tổ chức. Sau 1 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 832 đề tài, mô hình gửi về dự thi. Hội đồng giải thưởng lựa chọn 106 đề tài để trao giải, trong đó trao 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 30 giải ba và 60 giải khuyến khích. Ngoài phần thưởng tiền mặt, các tác giả đoạt giải được tặng bằng khen của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec).

Các đại biểu dự chương trình.

Các đại biểu dự chương trình.

Giải đặc biệt thuộc về Mô hình thiết bị ứng dụng sóng siêu âm để cô đặc mật ong và nước mắm ở nhiệt độ thấp của nhóm học sinh Vũ Việt Nguyên (THCS Dịch Vọng), Đặng Chí Bằng (THCS Lê Quý Đôn), Vũ Khánh Uyên (THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy), Hoàng Khánh An (THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm) và Lê Nguyệt An (trường chuyên Hà Nội - Amsterdam).

Mô hình thiết bị được chế tạo và lắp ráp gọn, đơn giản dễ vận hành, phù hợp với nhiều mô hình sản xuất, năng suất tách nước cao, có thể gia nhiệt để tăng hiệu quả tách ẩm. Việc chỉ sử dụng đầu siêu âm và gia nhiệt gián tiếp ở nhiệt độ thấp giúp đảm bảo chất lượng, không làm thay đổi màu sắc, không biến đổi hoặc mất đi các chất có trong sản phẩm. Mô hình cũng có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp nhằm gia tăng giá trị của mật ong, nước mắm - mặt hàng nông thủy sản đặc trưng của Việt Nam.

5 đề tài được trao giải nhất được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo. Trong đó có thể kể đến mô hình bè lọc nước bằng công nghệ sinh học của nhóm tác giả Lê Huyền Trang, Nguyễn Thùy Linh, Hà Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Hải Anh (THPT Hoằng Hóa 4) và Trịnh Nguyên Thành (THPT Lương Đắc Bằng), tỉnh Thanh Hóa.

Đây là mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế góp phần lọc nước ô nhiễm tại các con sông. Nhóm đã tận dụng những chai nhựa tái chế để tạo thành chiếc bè hình lục giác nổi trên sông để trồng các loại cây thuỷ sinh. Thông qua các bộ rễ, cây sẽ lọc nước liên tục, góp phần cải thiện nguồn nước.

Nhóm học sinh đạt giải Đặc biệt.

Nhóm học sinh đạt giải Đặc biệt.

Nhiều đề tài khác cũng được trao giải như: Chế tạo đồng phục học sinh tích hợp phao cứu sinh tự động nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước của nhóm học sinh đến từ Hà Nội; Ứng dụng thiết bị hiện đại để mô phỏng quá trình thụ phấn, thụ tinh ở thực vật có hoa phục vụ giáo dục và nghiên cứu công nghệ sinh học, của nhóm học sinh đến từ Hà Nội; Ứng dụng tích phân trong cuộc sống của nhóm học sinh từ Lào Cai, hay Sản phẩm trò chơi giải cứu thú cưng của nhóm học sinh đến từ Hải Phòng.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang đã phát động Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 19 với 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ