Trao giải cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II

GD&TĐ -  Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II, năm học 2018 - 2019 đã được tổ chức trang trọng vào sáng 16/5 tại Hà Nội.

Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức, trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: Thế Đại
Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức, trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: Thế Đại

Sáng nay (16/5), Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) long trọng tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II, năm học 2018 - 2019.

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho biết: được tổ chức lần đầu vào năm học 2017-2018 với gần 11.000 tác phẩm tham gia, cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Nhiều đơn vị, trường học thu hút được cả học sinh và cán bộ, giáo viên tham gia với hàng nghìn tác phẩm dự thi; trong đó có nhiều đơn vị vùng sâu, vùng xa như Trường THPT Xín Mần (Hà Giang), ngành Giáo dục huyện Tây Hòa (Phú Yên),  ngành Giáo dục Hà Tĩnh, ngành Giáo dục Phú Thọ....

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu
Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu
Trong suốt quá trình phát động, tổ chức Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GD&DT, của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho tập thể Báo Giáo dục và Thời đại.

Năm học 2018-2019, Cuộc thi tiếp tục nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trên cả nước, đạt gần 15.000 tác phẩm tham dự.

Các tác phẩm dự thi được viết ở nhiều thể loại khác nhau, với nhiều câu chuyện xúc động không chỉ ở trên bục giảng, nhà trường mà còn trong cuộc sống thường nhật của các nhà giáo.

“Tôi mong muốn và hy vọng rằng, Cuộc thi sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo lời Bác trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tham gia” – ông Vũ Minh Đức chia sẻ.

Thông tin từ ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức: Sau khi chấm vòng sơ khảo, 63 bài thi chất lượng đã được lựa chọn vào vòng chung khảo.

Qua một thời gian làm việc tích cực và tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Ban Giám khảo nhất trí 100% với đề xuất trao giải cho 11 tác phẩm, bao gồm: 1 giải Nhất,  2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích.

Chất lượng các bài thi khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại những xúc cảm cho người đọc bởi những tấm gương tâm huyết, sáng tạo luôn hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục.

Tiêu biểu như cô Tôn Nữ Quỳnh Dương - người giáo viên tận tụy, tình nguyện làm công tác xã hội. Cô đã giúp đỡ, dạy học cho nhiều học sinh nghèo, có mảnh đời cơ cực tại Nhà Bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng, Thừa Thiên Huế…

Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức, phát biểu. Ảnh: Thế Đại
Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức, phát biểu. Ảnh: Thế Đại

Hay hình ảnh người thầy giáo mù truyền lửa cho các em học sinh khiếm thị ở Tam Kỳ, Quảng Nam; là tấm gương về nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tâm huyết trong giảng dạy, yêu nghề, “cắm bản” gieo chữ, vận động bà con đóng góp để xây thêm phòng học, vận động gia đình để học sinh đến trường ở thôn Trấm (Quảng Trị); hình ảnh thầy giáo ở vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) nhiều năm âm thầm nuôi dưỡng các em mồ côi tại trường, trong khi nhiều năm thầy cô giáo trẻ lo lương không đủ trang trải; câu chuyện về cô giáo Điệp ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) quyết tâm xây dựng mô hình bán trú cho học sinh vùng cao…

Ông Triệu Ngọc Lâm nhấn mạnh, đây không đơn thuần là một cuộc thi mà đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành Giáo dục, là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền đất nước.

Thông qua cuộc thi viết về những tấm gương điển hình cũng khơi gợi tình cảm, ý thức trách nhiệm của các nhà giáo, giúp nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho các cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục, nỗ lực phấn đấu tích cực làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể.

Phát biểu hưởng ứng Cuộc thi, bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức – cho biết: Với mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT Việt Đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là học tập tinh thần yêu nước, sự đoàn kết gắn bó tập thể, sự chung tay xây dựng nhà trường; sự giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư trong công việc, trong cuộc sống. Mỗi cán bộ, giáo viên luôn nhận thức và phấn đấu, học hỏi không ngừng nhằm nâng cao tâm đức, trí tuệ, kiến thức và lòng nhiệt huyết để có thể đào tạo được những thế hệ học sinh trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.

Học Bác, mỗi cán bộ, giáo viên không ngừng nâng cao tinh thần yêu ngành, yêu nghề, tận tụy hết lòng với sự nghiệp cao cả - sự nghiệp “trồng người”; liên tục trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, nâng cao chất lượng giờ giảng, gắn những kiến thức trên lớp với thực tiễn, tìm tòi những phương pháp giảng dạy hiện đại giúp học sinh hiểu bài, nắm vững kiến thức, phát triển năng lực tư duy, đào tạo được nhiều thế hệ học sinh có chất lượng.

Học Bác đó là chấp hành tốt nội qui, qui chế của nhà trường, ra vào lớp đúng giờ, giảng dạy đúng khối lượng, đúng tiến độ kế hoạch và đúng tác phong sư phạm; việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi đảm bảo công bằng, khách quan và chính xác...

“Hôm nay, tại buổi lễ trang trọng, đầy ý nghĩa này, thay mặt cho các cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT Việt Đức, tôi xin hứa trân trọng, biết ơn và làm cho những giá trị tốt đẹp ấy luôn nở hoa trong cuộc sống. Nhà trường sẽ phổ biến, tuyên truyền, phát động rộng rãi việc tham gia viết, gửi bài tham dự cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019 – 2020” – bà Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ.

Giao lưu với tác giả có tác phẩm đoạt giải nhất và nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải
Giao lưu với tác giả có tác phẩm đoạt giải nhất và nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải

Chia sẻ của thầy Trần Văn Toản – tác giả có tác phẩm đoạt giải – điều khó khăn nhất khi hoàn thành tác phẩm chính là thuyết phục nhân vật đồng ý để viết về mình. “Tôi đã nhiều lần gặp cô Tôn Nữ Quỳnh Dương, nghe cô kể về các học trò của mình, nhưng khi quyết định chọn cô là nhân vật trong tác phẩm dự thi thì phải mất khá nhiều thời gian mới được cô đồng ý” – thầy Toản cho hay.

Khiêm tốn khi nói về công việc tâm huyết của mình trong 35 năm qua, “Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải”, cô Tôn Nữ Quỳnh Dương tự hào khi nhắc đến “những đứa con” – những học sinh nghèo nhưng thông minh, hiếu học – đã trưởng thành. Hàng chục trong số hơn 100 học sinh với sự giúp đỡ của cô đã đậu vào ĐH, trong đó có những trường ĐH hàng đầu của cả nước; có những em chưa tốt nghiệp đã tìm được việc làm.

“Tôi mong mình có thêm sức khỏe để có thể tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ những học sinh nghèo hiếu học; từ đó, các em có thể giúp đỡ được gia đình mình và những hoàn cảnh khó khăn khác” – cô Tôn Nữ Quỳnh Dương chia sẻ.

Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III, năm học 2019-2020 sẽ nhận bài dự thi từ ngày 16/5/2019 đến ngày 28/2/2020. Chi tiết về cuộc thi được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Giáo dục & Thời đại. Ban Tổ chức rất mong tiếp tục được đón nhận sự tham gia, ủng hộ của đông đảo bạn đọc trên cả nước.

Dưới đây là những hình ảnh phần trao giải:

Bà Dương Thị Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố các tác phẩm đoạt giải
Bà Dương Thị Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố các tác phẩm đoạt giải
Ông Vũ Minh Đức trao giải Nhất cho tác giả. Ảnh Thế Đại
Ông Vũ Minh Đức trao giải Nhất cho tác giả. Ảnh Thế Đại
Ông Triệu Ngọc Lâm trao giải Nhì cho tác giả. Ảnh: Thế Đại.
Ông Triệu Ngọc Lâm trao giải Nhì cho tác giả. Ảnh: Thế Đại.
Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm trao giải cho 2 tập thể đã tham gia tích cực/có nhiều cá nhân đoạt giải: Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT Lào Cai.
Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm trao giải cho 2 tập thể đã tham gia tích cực/có nhiều cá nhân đoạt giải: Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT Lào Cai.

Các cá nhân và tập thể đoạt giải cuộc thi

1 Giải Nhất:

Tác phẩm: Người ươm mầm nhân ái; tác giả: Trần Văn Toản, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, số 12 Lê Lợi, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2 Giải Nhì:

- Tác phẩm: Thầy Hiệu trưởng hiếm có; tác giả: Nguyễn Văn Tâm, Trường THCS Trần Cao Vân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

- Tác phẩm: Người thầy tận tâm trong sự nghiệp “trồng người”; tác giả: Hoàng Thị Hải Mến, Trường THPT số 3 Bảo Yên, bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

3 Giải Ba:

- Tác phẩm: Cô giáo hết lòng hỗ trợ học sinh nghèo; tác giả: Ung Thanh Sang, Trường THCS Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

- Tác phẩm: Cô Toán dạy Văn; tác giả: Nguyễn Thị Anh Đào, Trường THPT Ngô Gia Tự, Huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk.

- Tác phẩm: Người nhen ngọn lửa “khơi nguồn yêu thương”; tác giả: Lê Thị Mùi, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

5 Giải Khuyến khích:

- Tác phẩm: Cô giáo vượt khó; tác giả: Phạm Thị Thu Hiền, Trường Tiểu học Nhân Thịnh, Thôn Mỹ Xuyên, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

- Tác phẩm: Ý chí, niềm tin nuôi hy vọng; tác giả: Trần Thị Bích Hà, Trường THPT Liên Chiểu,  số 2 Trần Tấn, Đà Nẵng.

- Tác  phẩm: Người gieo chữ ở thôn Trấm; tác giả: Lê Thị Thu Thanh, Trường THPT thị xã Quảng Trị, Đội 2, Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị.

- Tác phẩm: Trái tim không tật nguyền; tác giả: Nguyễn Thị Diễm Linh, Trường Tiểu học, THCS Phước Hòa, Xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

- Tác phẩm: Chuyện về cô giáo phụ trách công tác bán trú ở trường vùng cao; tác giả: Đỗ Văn Dinh, Trường PTDTBT-THCS Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Ban Tổ chức cũng trao giải Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải cho cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương, Nhà Bảo trợ học sinh nghèo hiếu học xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2 giải tập thể đã tham gia tích cực/có nhiều cá nhân đoạt giải: Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT Lào Cai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ