Yêu Lịch sử từ cách học sáng tạo

GD&TĐ - Với nhiều người, Lịch sử là môn học khô khan chỉ có thể học qua sách vở, lời giảng của giáo viên. Nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin cùng sự tiếp cận nhanh nhạy của giới trẻ, Sử Việt trở nên hấp dẫn với vô vàn những câu chuyện phong phú.

Hoạt động hướng dẫn và giới thiệu tại các điểm di tích văn hóa - lịch sử của thành viên CLB Tuyên truyền văn hóa - lịch sử
Hoạt động hướng dẫn và giới thiệu tại các điểm di tích văn hóa - lịch sử của thành viên CLB Tuyên truyền văn hóa - lịch sử

Chủ động tiếp cận kiến thức

Qua quá trình hoạt động cùng với những đóng góp tích cực tại các điểm di tích, Câu lạc bộ (CLB) Tuyên truyền văn hóa - lịch sử thuộc Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã gây ấn tượng và trở thành CLB hoạt động mạnh mẽ về lĩnh vực văn hóa - lịch sử tại Hà Nội. Hoạt động chính của CLB là quảng bá hình ảnh, văn hóa - lịch sử Việt Nam tới các du khách trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức như giới thiệu, hướng dẫn cho du khách tại các di tích văn hóa - lịch sử ở Hà Nội, tổ chức các sự kiện về văn hóa, lịch sử...

Thông qua các hoạt động, thành viên của CLB được tham gia những lớp học thực tế vô cùng sinh động, tạo cho các bạn trẻ cơ hội trau dồi kiến thức, kĩ năng của bản thân. Điều này khiến cho các bạn trẻ nhớ, hiểu và cảm thấy thích thú hơn với môn Lịch sử.

Ra đời từ năm 2007, CLB “Em yêu Lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng là một trong những sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên của các trường, các nhóm trẻ em đi theo gia đình. Đây là hình thức học mà chơi, chơi mà học nên tạo được sự thích thú cho người tham gia.

Là thành viên từng tham gia CLB “Em yêu Lịch sử”, em Hà Xuân Cường (Phú Thọ) chia sẻ: “Các buổi sinh hoạt CLB được chuẩn bị công phu từ xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình. Chủ đề của mỗi buổi sinh hoạt luôn bám sát chương trình học Lịch sử ở nhà trường, phù hợp với kiến thức từng lứa tuổi nên chúng em rất thích. Cách học này giúp học sinh lắng nghe, ghi nhớ, qua đó hiểu sâu sắc hơn những mốc lịch sử quan trọng, các sự kiện, hiện vật tiêu biểu, hình thành ý thức tự tìm tòi, tâm lý muốn hiểu hệ thống hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng”.

ThS Nguyễn Thị Thu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục - Công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các chương trình giáo dục mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện thông qua hoạt động CLB “Em yêu Lịch sử” và “Giờ học Lịch sử” là 203 buổi, dành cho 10.357 học sinh”.

Lan tỏa tình yêu Lịch sử bằng những câu chuyện

Kể những câu chuyện lịch sử, dùng mạng xã hội Facebook dựa trên những số liệu, kiến thức trong sách vở là cách của nhiều bạn trẻ đang làm để lan tỏa tình yêu Sử Việt đến với mọi người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng các fanpage về lịch sử Việt Nam có rất nhiều, trong đó có thể kể đến một số trang tiêu biểu như: “Diễn đàn lịch sử Việt Nam LSVN”, “Đại Việt Cổ Phong - VietnamAncient”, “The X File of History”...

Những fanpage này thu hút hàng nghìn người theo dõi. Tuy nội dung của các fanpage được xây dựng dựa trên những kiến thức trong sách giáo khoa, sách tham khảo… nhưng được thể hiện dưới hình thức các câu chuyện lịch sử, văn hóa. Bằng giọng văn và phong cách của mình, các bạn trẻ thổi hồn cho những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, cuốn hút người nghe chứ không cứng nhắc, khô khan như trong sách vở.

Các fanpage này cung cấp các thông tin chuyên sâu về những phong tục tập quán, văn hóa - lịch sử nước nhà, các nhân vật lịch sử nổi tiếng như vua Lý Thái Tổ, Trần Khát Chân, Trần Thủ Độ… Không chỉ thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người, nội dung của các fanpage còn liên tục tạo ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh những vấn đề lịch sử.

Chị Nguyễn San, Thư ký nhóm Đại Việt Cổ Phong, chia sẻ: “Mục tiêu thứ nhất của chúng tôi là nghiên cứu và phổ biến kiến thức về văn hoá xác thực của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước. Thứ hai là phỏng dựng, phục dựng văn vật của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước qua nhiều phương tiện như tranh vẽ, mô hình, phim ảnh, cosplay... Các hoạt động của Hội được tổ chức theo hình thức mở, hướng đến các vấn đề lịch sử, quân sự, đặc biệt là những giá trị văn hóa của dân tộc để các bạn trẻ biết nhiều hơn về di sản cổ xưa và giá trị phong phú mà nó mang lại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.